Làm “khu cư trú” trên biển cho cá

Từ lúc tỉnh Cà Mau cho thả rạn nhân tạo xuống vùng biển Tây, nhiều loài cá đã về trú ngụ và sinh sản, bà con ngư dân nhờ đó được hưởng lợi, đánh bắt hiệu quả và hướng đến một nghề cá bền vững.

Thu hút nhiều loài thủy sản

Vùng biển Cà Mau ở cực Nam là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Trước đây, ngư trường này được đánh giá có nguồn thủy sản phong phú, thuận lợi cho việc phát triển nghề khai thác thủy sản. Tuy nhiên, nơi đây đang chịu sức ép ngày càng tăng do tình trạng khai thác quá mức, kèm theo đó là các hình thức khai thác mang tính tận thu, trong khi trữ lượng hải sản có giới hạn.

Trước thực tế trên, từ năm 2018-2021, tỉnh Cà Mau triển khai Dự án thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch. Dự án đã xây dựng và thả 500 khối rạn bê tông cốt thép. Các khối rạn được thiết kế dạng hình lập phương với chiều dài mỗi cạnh là 1,5m và độ dày của mỗi cạnh là 17cm. Tổng khu rạn quản lý có chu vi 5,6km và diện tích 1,88km² .

Tiếp đến, năm 2022, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Dự án xây dựng hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản và đã thực hiện thả 400 đơn vị rạn với kết cấu hình dạng tương tự.

a5a-2181.jpg
Đổ các khối rạn để xây “khu cư trú” cho cá

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, thông tin: Qua nhiều lần lặn biển quan sát, phân tích, đánh giá cho thấy, rạn nhân tạo đã chứng minh được nhiều hiệu quả tích cực, hình thành nên khu cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản, thu hút được nhiều loài cá trú ngụ và sinh sản. Môi trường biển trong khu vực đã cải thiện đáng kể với sự xuất hiện của san hô mềm, bọt biển, các loài nhuyễn thể, các loài cá cảnh đặc trưng vùng rạn, rùa biển, cá heo…

“Hiện nguồn lợi thủy sản tại khu cư trú trên biển ngày càng phát triển đa dạng và phát tán vào khu vực biển lân cận. Theo đó, bà con ngư dân có nguồn lợi thủy sản ổn định để khai thác bền vững”, ông Đỗ Chí Sĩ cho biết.

Còn theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ: “Sở NN-PTNT đặc biệt quan tâm và mong muốn triển khai mở rộng nhiều hơn nữa tại khu vực hiện tại và các khu vực biển khác trong tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Cà Mau bố trí nguồn kinh phí phù hợp để triển khai nhân rộng mô hình thả rạn nhân tạo trên biển, hướng đến mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững cho ngư dân”.

Xây dựng nghề cá bền vững

Những ngày cuối năm, chúng tôi về miền biển Tây, tìm các thành viên trong Tổ đồng quản lý bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo (gọi tắt Tổ đồng quản lý rạn: gồm 15 ngư dân sống trên địa bàn xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), lắng nghe họ kể chuyện bảo vệ “nồi cơm” trên biển với nhiều tâm huyết.

Theo các ngư dân, khi thả rạn trên biển thu hút nhiều cá tôm đến sinh sống và sinh sản thì tàu cá bắt đầu vào khu vực này khai thác trái phép. Chính vì vậy, việc quản lý và khai thác bền vững tại vùng biển này là rất cần thiết. Được sự đồng ý của Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương, tháng 6-2020, Tổ đồng quản lý rạn chính thức được thành lập. Các thành viên là những ngư dân có tàu khai thác thủy sản với các nghề khác nhau như: bẫy ốc mực, lưới ghẹ, lưới rê…

Căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản xuất hiện, Tổ đồng quản lý rạn lập kế hoạch, phương án tổ chức khai thác. Khi được Chi cục Thủy sản, chính quyền địa phương và toàn thể thành viên Tổ đồng quản lý rạn thông qua thì tàu cá mới được khai thác. Việc tổ chức khai thác cũng được quy định chặt chẽ, ghi chép nhật ký và báo cáo đầy đủ; tập kết đúng bến bãi, có ghi hình, chụp ảnh để làm tư liệu; nếu xét thấy nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu giảm trong thời gian khai thác thì dừng ngay để bảo tồn nguồn lợi.

Là thành viên Tổ đồng quản lý rạn, ngư dân Nguyễn Ngọc Châu (ấp Sào Lới, xã Khánh Bình Tây Bắc) cho biết, tổ luôn duy trì tối thiểu 2 phương tiện canh giữ liên tục, dịp Tết Nguyên đán có tối thiểu một tàu khu vực rạn (trừ những trường hợp bất khả kháng do thời tiết). Kinh phí duy trì canh giữ liên tục khu vực thả rạn do nhóm đồng quản lý trên 2 xã tự túc.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Châu, ban đầu nhiều thuyền trưởng chưa biết nên đưa ghe vào “khu cư trú” cho cá đánh bắt trái phép, các thành viên Tổ đồng quản lý rạn đến tuyên truyền, nếu thuyền trưởng không chấp hành sẽ thông báo đến Đội Thanh tra chuyên ngành thủy sản (Chi cục Thủy sản), Đồn Biên phòng Sông Đốc để cử cán bộ tham gia phối hợp xử lý.

Theo ông Trương Văn Sấm (Tổ trưởng Tổ đồng quản lý rạn), các thành viên tham gia trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện với mục đích tập hợp, đoàn kết cộng đồng nhằm huy động và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc cùng nhau bảo vệ khu vực biển thả rạn nhân tạo. Qua đó, bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản với phương châm “vì một nghề cá bền vững”.

Tin cùng chuyên mục