Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba

Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba

Kỷ niệm 55 năm Quốc khánh Cộng hòa Cuba

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Quốc khánh Cộng hòa Cuba (1-1-1959 – 1-1-2014), phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Bernade Garcia Valido, tân Tổng Lãnh sự Cộng hòa Cuba tại TPHCM về những thành tựu của đất nước Cuba thời gian qua cũng như thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (phải) trao quà lưu niệm tặng tân Tổng Lãnh sự Cuba tại TPHCM Bernade Garcia Valido.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (phải) trao quà lưu niệm tặng tân Tổng Lãnh sự Cuba tại TPHCM Bernade Garcia Valido.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đạt được trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ 6 đến nay.

>> Đồng chí BERNADE GARCIA VALIDO: Để hiểu được tầm quan trọng của những thành tựu trong những năm gần đây mà đất nước chúng tôi đạt được, đầu tiên cần phải nhắc lại bối cảnh chung mà đất nước chúng tôi đã triển khai việc “cập nhật mô hình quản lý kinh tế”. Đây là mô hình được đưa ra chủ yếu bởi việc thắt chặt cấm vận của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và tài chính, cùng với khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây ảnh hưởng đến các nước. Trên trường quốc tế, đất nước của chúng tôi đã đạt được hai thành công lớn. Đầu tiên đó là thắng lợi mới tại Liên hiệp quốc, nơi 188 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận của Mỹ đối với Cuba và thứ hai là đã bầu chọn Cuba làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Cả hai sự kiện trên là minh chứng cho thấy cộng đồng quốc tế đã công nhận và hoàn toàn cảm thông đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba.

Cuba đã đạt được sự bền vững trong y tế và giáo dục bởi đây là hai lĩnh vực phục vụ cho nhân dân, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Ngoài ra còn có nhiều dịch vụ khác cũng được cung cấp miễn phí cho người dân.

Một nhân tố quan trọng là rà soát lại và ban hành các quy định mới nhằm quản lý kinh tế và hành chính minh bạch, không quan liêu. Chúng tôi đang thay đổi tư duy nhưng không từ bỏ các nguyên tắc cơ bản của cách mạng. Đổi mới kinh tế ở Cuba là nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của dân số theo hệ thống kinh tế XHCN, không phủ nhận các loại sở hữu khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn phát triển này. Điều có ý nghĩa lớn nhất là những hợp tác xã phi nông nghiệp đã và đang được hình thành, mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá được hiệu quả của nó. Hơn 440.000 người Cuba đang làm kinh tế tư nhân bằng vốn của chính mình và dự kiến hình thức này sẽ tiếp tục nhân rộng hơn nữa. Đây là kết quả của việc nới lỏng các quy định hiện hành cũng như cho phép mở rộng các hoạt động kinh tế.

GDP của Cuba cũng đã đạt tăng trưởng dù còn ở mức khiêm tốn, năm 2013 dự báo sẽ tăng 2,7%. Con số này chưa làm chúng tôi hài lòng. Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế là do thu hẹp doanh thu xuất khẩu, cả dịch vụ lẫn hàng hóa, trong đó có cả việc giảm giá thành sản phẩm trong khi giá nguyên liệu và hàng hóa nhập khẩu lại tăng vọt.

- Thưa đồng chí, sắp tới, Cuba sẽ có thêm những bước đổi mới nào? Nguyên tắc hàng đầu trong quá trình đổi mới của Cuba là gì?

“Cập nhật mô hình quản lý kinh tế Cuba” là một quá trình gồm nhiều yếu tố tương tác với nhau dựa trên Nghị quyết Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng Cuba đã khẳng định phải tiến lên với quyết tâm thực hiện đến cùng, không vội vàng, nhưng không ngừng nghỉ. Trong giai đoạn đầu tiên này, tất cả các hoạt động kinh tế tạo ra kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập khẩu được ưu tiên. Chúng tôi tiến hành đổi mới trên tất cả các lĩnh vực với cách tiếp cận có hệ thống và trên hết là phải đảm bảo tính bền vững, phù hợp với các quy định hiện hành.

Chúng tôi cũng ưu tiên thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có thể kể đến các liên doanh với nước ngoài, các hợp đồng liên kết kinh tế quốc tế...

Một vấn đề lớn nữa là việc tạo ra các đặc khu kinh tế, cho phép tăng kim ngạch xuất khẩu và thay thế nhập khẩu có hiệu quả, tăng cường đầu tư các dự án công nghệ cao và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo ra việc làm mới. Ví dụ như đặc khu kinh tế Mariel, đây là lần đầu tiên Cuba có loại hình này với chính sách đặc biệt để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới công nghệ và tập trung các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm tăng cường sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thay thế nhập khẩu. Trong đặc khu Mariel, các lĩnh vực như công nghệ sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp thực phẩm, bất động sản, du lịch, ngành công nghiệp đóng gói, nông nghiệp, viễn thông và CNTT đang được ưu tiên.

- Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cuba trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực nào, thưa đồng chí ?

Một điểm nổi bật là Việt Nam là đất nước đầu tiên mà chúng tôi tạo điều kiện đặc biệt để tham gia vào dự án của đặc khu Mariel bởi chúng tôi xem Việt Nam như người anh em của chúng tôi và bởi tình cảm sâu sắc đặc biệt giữa hai nước. Những ưu đãi này đã được công bố trong cuộc họp chung được tổ chức trong tháng 9 vừa qua. Gần đây, tại cuộc gặp giữa đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Homero Acosta Alvarez, Thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba, dẫn đầu đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và hai dân tộc trong tương lai gần. Trên tinh thần đó chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tất cả các lĩnh vực có thể hợp tác.

Tại thời điểm hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình đổi mới, song song đó xác định hiệu quả của việc tăng cường hợp tác toàn diện, đặc biệt chú ý sự hợp tác phải mang tính bền vững và lợi ích cho cả hai quốc gia.

- Xin đồng chí cho biết về mối liên kết của cánh tả tại những nước Nam Mỹ hiện nay như thế nào, nhất là sau sự ra đi của Tổng thống Hugo Chavez - người khởi xướng thúc đẩy mối liên kết này?

Không thể bỏ qua các dự án phát triển kinh tế, trong bối cảnh tái cơ cấu tổng thể của chủ nghĩa tư bản. Các nước Nam Mỹ khẳng định phải tiếp tục tiến lên phía trước và không bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi trong khu vực. Sự tồn tại của các chính phủ tiến bộ ở Nam Mỹ là một biểu hiện của sự thay đổi quan trọng trong tương quan lực lượng, nhưng tác động của chúng không giống nhau. Các chính phủ tiến bộ của Nam Mỹ - với nhiều sự khác biệt, đã mở rộng việc chọn cho mình con đường để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Ở Bolivia, Ecuador và Venezuela tình hình rất khác nhau, những thay đổi ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ hơn về chính trị, tư tưởng và cả việc sở hữu, sử dụng, phân phối thu nhập có nguồn gốc từ dầu, khí đốt và khai thác mỏ. Đồng thời, các nước này cũng có những thay đổi về pháp lý nhằm tăng cường chủ quyền quốc gia, xây dựng quyền lực xã hội. Tuy nhiên trong đó vẫn còn những nhiều bất ổn do ý định của Mỹ.

Chính phủ Venezuela vẫn trung thành với chính sách và đường lối theo chủ trương của nhà lãnh đạo Hugo Chavez. Chính phủ đã đề xuất một trật tự kinh tế mới được xem là điểm khởi đầu cho việc xây dựng CNXH ở đất nước của họ và chúng tôi nhận thức được rằng họ làm việc rất nghiêm túc vì lợi ích của dân tộc mình. Về Cuba, chúng tôi luôn vững vàng với các nguyên tắc của tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế; thắt chặt quan hệ chính trị, kinh tế với đất nước anh em Venezuela và chúng tôi luôn mong muốn đất nước bạn hòa bình, thịnh vượng.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục