Làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự bằng mã số định danh

Hỏi: Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 1-7-2021, “khai tử” sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Vậy, các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, cả việc học hành của con em người dân có bị ảnh hưởng không? (Một bạn đọc ngụ quận 6, TPHCM)

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 38 Luật Cư trú 2020: Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng sẽ kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở chuyên ngành.

Trong trường hợp công dân đi làm các giao dịch hành chính sử dụng thông tin về cư trú mà các cơ sở chuyên ngành chưa kết nối với cơ sở dữ liệu về cư trú, thì công dân có thể đề nghị cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp thông tin về cư trú theo quy định của pháp luật để họ có cơ sở thực hiện các giao dịch.

Hiện tại, đã có một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng kết nối như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ TT-TT; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND 63 tỉnh, thành phố.

Thông tin về cư trú của dân cư đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, những giao dịch của công dân có liên quan đến thông tin về cư trú sẽ được sử dụng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đi làm các thủ tục hành chính, theo quy định sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (mã định danh cá nhân chính là số CCCD, CMND 12 số).

Tin cùng chuyên mục