Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8-2018 đã đưa ra các quan điểm và nguyên tắc trong tổ chức triển khai xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam và xác định các nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn để thực hiện. Cùng với đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2020 đã đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, từ góc độ nhận thức, phát triển ĐTTM chính là công cuộc chuyển đổi số cho một đô thị với 3 nội dung chính gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Từ góc độ xây dựng và thực thi chính sách, ĐTTM là nơi thí điểm, thử nghiệm triển khai các dịch vụ mới, mô hình mới, thí điểm các chính sách mới bằng việc sử dụng công nghệ số mới, làm ngay từ khâu xây dựng quy hoạch phát triển đô thị, xuất phát từ bài toán nhức nhối đặc thù của chính đô thị đó.
Tối cùng ngày, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức lễ công bố và trao 54 giải thưởng Thành phố thông minh 2020 cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị. Đây là năm đầu tiên giải thưởng được tổ chức và ban tổ chức kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn động lực thúc đẩy các sáng tạo công nghệ song hành cùng các sáng tạo về cơ chế, chính sách, giúp các thành phố có giá trị, sức sống, sức cạnh tranh, và phát triển bền vững, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.