
Vừa hết tết, thị trường âm nhạc Việt đã có sự khởi động, nhiều ca sĩ đang có những chuẩn bị, đầu tư chu đáo cho hàng loạt dự án âm nhạc. Trong đó, có ca sĩ thích quay về với dòng nhạc xưa cũ, có ca sĩ lại thay đổi phong cách với dòng nhạc “teen” thịnh hành. Tuy nhiên, sự chuyển động ấy có đẩy làng nhạc Việt phát triển thêm hay vẫn chỉ là sự bế tắc như tình trạng đã thấy từ vài năm qua thì vẫn phải chờ...
Nhạc “teen” lên ngôi
Từ cuối 2007, trên các diễn đàn âm nhạc xuất hiện một loạt các ca khúc tuổi “teen”, trong đó Nấm lùn di động trở thành một trong những ca khúc tiêu biểu nhất. Bài hát ra đời chỉ hiện diện trên mạng, không được phát hành trong một album chính thức và người hát hoàn toàn vô danh nhưng được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Lứa tuổi “ô mai” đã truyền cho nhau nghe và thuộc nằm lòng. Ngoài Nấm lùn di động còn có Cô bé kẹo mút, Thỏ con chiên bánh, Cuộc chiến với phù thủy, Công chúa bong bóng, Anh chàng răng sún, Cào cào lá tre… xuất hiện và mở màn cho phân khúc mới của nhạc trẻ Việt, đồng thời cạnh tranh với dòng nhạc thị trường thiếu ý tưởng, nhàm chán.
Cũng có thể gọi xu hướng này là dòng nhạc “candy” (Kẹo ngọt) với thị phần rộng lớn, luôn có nhu cầu đổi mới. Đại diện mới của “candy” đang là Bảo Thy, Thùy Chi, Phoebe Bảo Ngọc, Kiix Kalentine… rất nổi tiếng trên mạng, hoặc mới đây nhất có thêm chàng ca sĩ “cưa sừng làm nghé” Phan Đinh Tùng.
Đặc điểm của dòng nhạc này không nằm ở kỹ thuật thanh nhạc, hát “phô” cũng không thành vấn đề, đứt hơi hay không lên nổi quãng tám hoàn toàn được thông cảm, miễn là ca từ phải thật vui nhộn, bình dân, thật “teen” và dễ nhớ.
Cái dễ nhớ của “candy” không nằm trong phạm trù tình yêu tan vỡ đau thương, cay dắng chua xót…, nó phải nhẹ hơn, trong trắng hơn và đừng quá nhiều bi kịch. Khán giả của “candy” là thế hệ 8X nhưng họ đang trưởng thành và ngay bây giờ nhạc “teen” phải nhắm đến lứa tuổi 9X với những ca khúc mới lạ hơn. Bởi lẽ, thế hệ 9X còn non trẻ, chưa thông tỏ chuyện tình cảm, chỉ biết mê Harry Potter và bầu trời xanh cùng những mối quan hệ bạn bè trong sáng với những rung động đầu đời ngộ nghĩnh.
Nhạc trẻ đã phát triển rất mạnh trong 10 năm qua, nhạc thị trường liên tiếp lên ngôi nhưng âm nhạc dành cho tuổi “teen”, tuổi ô mai mới lớn chưa có được những sáng tác nghiêm túc cho mình. Nhạc “teen”, nhạc “candy” thời nào cũng có nhưng “candy” Việt đang bị hụt hơi bởi thiếu sự dẫn dắt và cũng thiếu những tài năng thật sự.
Dòng nhạc nào cũng cần phải có sự phát triển nhất định nhưng quan trọng hơn là khi nghe nhạc sẽ phải nhận biết được rằng, đó là “teen” Việt, không thể lẫn với Hàn Quốc, Thái Lan hay Trung Quốc… Mỗi thời đại đều có những đại diện tiêu biểu của mình, âm nhạc cũng thế, kể cả âm nhạc dành cho tuổi mới lớn nhưng cho dù xu thế phát triển khác biệt thế nào thì nền văn hóa riêng của người Việt vẫn cần phải luôn được giữ vững.
Nhạc thị trường, đi tìm sự bứt phá
Diện mạo mới của nhạc thị trường thay đổi theo từng năm nhưng sự bứt phá không còn ăn khách như xưa. Các live show liên tục thua lỗ, sự trào dâng của rock vẫn mới dừng ở mức độ manh nha và xuất hiện sự bế tắc trong sáng tác, trong phong cách biểu diễn.
Không khó để nhận thấy các ông bầu, các ca sĩ vẫn loay hoay đi tìm cho mình một cách thể hiện mới. Trong sự bế tắc ấy, cách tốt nhất là quay về với dòng nhạc xưa cũ và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là một điển hình thành công.
Sau anh, ca sĩ Kasim Hoàng Vũ đã đến với nhạc Phú Quang; Cao Thái Sơn, Khánh Ngọc, Thanh Thúy cũng làm mới mình qua dòng nhạc xưa cũ. Mới đây, ca sĩ phòng trà Song Giang đã tiếp thị mình bằng CD nhạc xưa và cô tin đó vẫn là dòng nhạc được nhiều người chấp nhận hiện nay. Vừa qua, ca sĩ Thanh Thảo cũng tuyên bố muốn từ bỏ hình ảnh “búp bê” để trở về nét nghiêm chỉnh xa xưa.
Chưa bao giờ có sự “trở về” quy mô đến vậy. Nhạc trẻ Việt sau một thời gian dài phát triển đã bắt đầu chững lại và rơi vào vòng luẩn quẩn cũ – mới đan xen. Tuy những giá trị cũ đang được tôn vinh và phát triển thành trào lưu nhưng người ta không đoán được dòng chảy mới này sẽ tồn tại và phát huy thế mạnh được bao lâu.
Một nền tân nhạc nếu cứ quay về tức là một nền tân nhạc đứng yên tại chỗ. Hễ bế tắc sáng tác thì trở về, rồi nêu cao giá trị mới bằng những bài “teen” mang âm hưởng nước ngoài, nếu vậy thì làng nhạc trẻ Việt sẽ không có gì mới để chúc mừng. Điều đó cho thấy nhạc Việt 2008 cần phải có một sự cách tân, đổi mới hơn nữa.
Nguyên Minh