Lao động tuổi trung niên khó tìm việc làm

Nhiều người lao động tuổi trung niên sau khi thất nghiệp đã bắt đầu hành trình đi tìm việc làm rất gian nan, vì tìm được một công việc phù hợp và ở độ tuổi này là vô cùng khó khăn. Thường trong các thông báo tuyển dụng lao động đều chỉ tuyển lao động độ tuổi 18-35. Phụ nữ tuổi trung niên lại càng khó tìm được việc làm.
Lao động nữ tuổi trung niên rất khó tìm được việc làm, hoặc phải chấp nhận làm công việc nặng nhọc. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Lao động nữ tuổi trung niên rất khó tìm được việc làm, hoặc phải chấp nhận làm công việc nặng nhọc. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Hành trình gian nan

Anh Trần Thành B. (ngụ đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình) có bằng cử nhân kinh tế nhưng đã lâm vào cảnh thất nghiệp hơn một năm nay, kể: “Trước đây tôi làm việc cho một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, với chức danh trưởng phòng quản lý nhân sự. Sau hơn chục năm hoạt động, doanh nghiệp buộc phải giải thể vì nhiều lý do, trong đó có việc kinh doanh không còn hiệu quả. Tôi mong tìm kiếm một công việc mới phù hợp với chuyên môn, với năng lực, kinh nghiệm của mình, thế nhưng, tôi đã không lường trước hết những khó khăn, vất vả khi đi tìm một công việc mới ở độ tuổi trung niên. Tôi đã miệt mài tìm kiếm thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, trên báo và liên hệ, theo dõi thông tin tại các trung tâm dịch vụ hỗ trợ việc làm. Thế nhưng, cơ quan, doanh nghiệp nào cũng thông báo độ tuổi tuyển dụng không quá 35 tuổi, thậm chí là không quá 30 tuổi, khiến tôi phải nản lòng”.  

Thực tế đang có tình trạng nhiều người lao động có trình độ đại học, thậm chí là trên đại học, ở tuổi trên 40 bị thất nghiệp và rất khó có cơ hội tìm được việc làm. Ngoài các yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, sở trường… thì độ tuổi cũng là một tiêu chí bắt buộc trong tuyển dụng nhân sự. Doanh nghiệp cần tuyển người lao động trẻ tuổi hơn, do bản thân người trẻ thường năng động, sáng tạo. Chưa kể, nếu tuyển người lao động lớn tuổi vào làm việc thì phải thỏa thuận lại mức lương; nếu thỏa thuận mức lương cao do có thâm niên làm việc thì doanh nghiệp sẽ phải đóng các khoản về chế độ chính sách như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cao hơn so với người trẻ. Do vậy, người lao động bị thất nghiệp ở độ tuổi trung niên thường khó có thể tìm kiếm cho mình một công việc mới, cho dù có năng lực, kinh nghiệm và niềm đam mê.

Không phân biệt trong tuyển dụng lao động

Việc lựa chọn, bố trí lao động phù hợp với công việc, với tiêu chí của đơn vị là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp, cơ quan nào cũng mong muốn tuyển dụng đội ngũ nhân sự có độ tuổi lao động được trẻ hóa, năng động, sáng tạo hơn. Song, cũng nên chú ý thế mạnh của người lao động độ tuổi trung niên. Ngoài năng lực chuyên môn thực sự, người lao động ở độ tuổi trung niên có kinh nghiệm xử lý và giải quyết vấn đề cũng như sự nhạy bén, bình tĩnh, cẩn thận, tận tụy với công việc.  

Anh Nguyễn Đức Nguyên - người làm công việc phỏng vấn, tuyển dụng của một doanh nghiệp - cho biết: “Với kinh nghiệm tuyển dụng của mình, tôi đã từng tuyển nhiều lao động ở độ tuổi ngoài 35, 40. Tôi tin rằng sau khi thất nghiệp rồi được tuyển dụng, bản thân người lao động sẽ cảm thấy trân quý hơn với nghề nghiệp mới của mình, ngọn lửa đam mê, cơ hội được thể hiện với nghề nghiệp sẽ cháy bỏng hơn, hiệu quả công việc sẽ đạt cao. Đừng vì rào cản là độ tuổi mà tước đi quyền cống hiến, quyền được lao động và làm việc của người lao động tuổi trung niên, nếu phỏng vấn thấy đạt yêu cầu về năng lực, chuyên môn”.

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung và Luật Việc làm năm 2015 đã có những điều khoản quy định nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động. Việc từ chối tuyển dụng người lao động tuổi trung niên đã là hành vi vi phạm pháp luật trong tuyển dụng lao động. Đây là quy định rất nhân văn của pháp luật nước ta nhằm tạo điều kiện cũng như cơ hội để người lao động lớn tuổi, nhất là người lao động không may thất nghiệp, có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống gia đình, đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng cho xã hội do phải trợ cấp thất nghiệp từ ngân sách và quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tin cùng chuyên mục