Hàng chục năm liền, người dân khu vực đập Quỳnh Lưu, nơi đổ ra cảng Sa Kỳ với hàng trăm tàu thuyền ra vào cảng, phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Từ biển, kênh mương, hồ tôm… đi đến đâu rác ngập đến đó, rác nổi lềnh bềnh, hôi thối. Mặc dù UBND xã Bình Châu đã nhiều lần ra quân dọn dẹp rác, nhưng đâu lại vào đấy. Bức xúc vì rác thải ô nhiễm, người dân xã Bình Châu đã tự nguyện đóng góp 144,5 triệu đồng để xây dựng rào chắn hai bên đập Quỳnh Lưu, làm hố trung chuyển rác và lắp đặt camera (ảnh), nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng thôn Định Tân, thông tin: “Người dân của ít lòng nhiều, mỗi người từ 50.000 đồng, cũng có người góp 5 triệu đồng, ủng hộ nhằm giữ gìn môi trường sạch”.
Camera đặt tại đập Quỳnh Lưu và kết nối máy tính tại nhà ông Trương Tày. Ông Tày cho biết: “Nhà tôi nằm sát bên đập Quỳnh Lưu, hàng ngày đều phải chịu mùi hôi thối từ ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa nắng nóng, gió nổi. Khi mọi người trong thôn có ý tưởng lắp camera giám sát nạn xả rác, tôi đã xung phong thực hiện giám sát trên màn hình máy tính. Từ khi gắn camera thì người dân rất có ý thức chấp hành bảo vệ môi trường”. Mỗi khi phát hiện có người xả rác trên đập, ông Tày lập tức lưu hình ảnh gửi đến trưởng thôn để có hình thức nhắc nhở, xử lý. Ở lần phát hiện đầu tiên, trưởng thôn sẽ đến nhà người bỏ rác không đúng nơi quy định nhắc nhở; vi phạm lần thứ 2 trở lên thì yêu cầu khắc phục và giao bằng chứng để các cơ quan chức năng xử phạt theo quy định pháp luật. Từ khi lắp đặt camera đến nay, chỉ có một trường hợp vi phạm được trưởng thôn nhắc nhở.
Ngoài ra, UBND xã Bình Châu cũng thành lập tổ tự nguyện thu gom vận chuyển rác từ nhà dân đến hố trung chuyển. Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, cho biết: “Các hộ dân đều tự nguyện đóng góp 25.000 đồng/tháng để chi phí xăng, xe vận chuyển cho tổ thu gom. UBND xã chịu kinh phí chi trả việc vận chuyển từ hố trung chuyển đến nhà máy xử lý rác mỗi ngày”.