Đảm bảo an toàn cho du khách
Khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm, hoa ban sẽ nở rộ khắp núi rừng Tây Bắc, đây cũng là thời điểm du khách thập phương dập dìu đổ về các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu... Thế nhưng, mùa hoa năm nay đón lượng khách khiêm tốn, do tâm lý người dân lo ngại dịch bệnh, dù rằng các tour du lịch “siêu” giảm giá lên tới 70%-80%.
Lò Thị Kim Tuyến (26 tuổi), Công ty Tada Tours cho biết, công ty vẫn có khách tham quan Tây Bắc nhưng không nhiều. Trong thời điểm này, khách có được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tiêu chí chăm sóc khách thật tốt để nhận được các phản hồi tích cực là điều mà các thành viên, nhân viên công ty đang làm.
Thông tin từ các hãng lữ hành, Kim Tuyến chính là một trong những bạn trẻ dân tộc Thái tiên phong làm tour du lịch giới thiệu, quảng bá văn hóa Điện Biên (quê hương cô) đến với bạn bè cả nước.
“Ngay từ năm thứ hai đại học, tôi đã liên hệ các hãng lữ hành để cộng tác làm hướng dẫn viên du lịch. Sau 5 năm làm việc, tôi đã quyết định về Điện Biên để gầy dựng công ty mang tên Tada Tours. Sau nhiều cố gắng, nỗ lực, công ty cũng đã được khách hàng tiếp nhận và biết đến”, Lò Thị Kim Tuyến tâm sự.
Là Văn Phong (27 tuổi), một bạn trẻ sinh sống tại Quỳnh Nhai (Sơn La) đang cùng 6 thành viên khác điều hành Hợp tác xã Du lịch Quỳnh Nhai - Quynh Nhai Travel, cho biết thời điểm hiện tại các bạn “vừa đi làm vừa run”.
Bởi đối tượng du khách muốn đi tour khá đa dạng, nên Quynh Nhai Travel buộc phải từ chối đón khách. Thế nhưng, lo lắng không giải quyết vấn đề nên Phong và mọi người cùng nỗ lực vượt khó để “Vịnh Hạ Long của núi rừng Tây Bắc” được nhiều người biết đến.
Quynh Nhai Travel được thành lập cách nay 3 năm, chuyên về tour du lịch lòng hồ sông Đà (thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), cho thuê du thuyền, nhà hàng nổi, phục vụ các món đặc sản sông Đà…
“Tất cả khách hàng đều được hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe, an toàn trong mùa dịch bệnh như đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn…”, Là Văn Phong thông tin.
Chủ động chia sẻ kỹ năng ứng phó dịch
Để ứng phó dịch Covid-19 trong bối cảnh du khách ít ỏi, các đoàn khách thưa thớt, nhiều hãng lữ hành nhận định “trong rủi có may” và khẳng định mỗi công ty đều có kịch bản của riêng mình. Với Tada Tours, Kim Tuyến cho hay, đang tranh thủ học các khóa trực tuyến ngắn hạn, tự học trên mạng để nâng cao kiến thức chuyên ngành, hay tham dự các chuyến farmtrip trong nước, quốc tế… Tuyến cho rằng, thời gian này không thể là khoảng thời gian “chết”, mà người làm du lịch phải trăn trở, lên sẵn các kế hoạch cho mình cũng như công ty.
Hoàng Ngọc Lan (25 tuổi), một bạn trẻ đang là hướng dẫn viên kiêm cổ đông một công ty du lịch tại quận 1 (TPHCM) tâm sự: Thời điểm này, cổ đông có kinh nghiệm của công ty phải liên tục lên dây cót tinh thần cho các nhân viên trẻ, vì họ lo lắng đủ thứ. Chẳng hạn như ngại tiếp xúc khách lạ, lúng túng khi gặp khách hàng bị các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi…Các kỹ năng này cần phải được rèn luyện liên tục để họ có bản lĩnh, vững vàng hơn.
“Công ty cũng hỗ trợ khoảng 60%-100% lương cơ bản (tùy người) để giữ chân nhân viên, để ngay khi dịch bệnh qua đi, các bạn không rời công ty mình đi tìm chỗ làm mới. Công ty mình đón cả khách nội địa lẫn quốc tế, nhưng hiện tại lượng khách sụt giảm khoảng 60%-65%. Chi phí mặt bằng, trả lương nhân viên khoảng 70 triệu đồng/tháng. Nhẩm tính sơ từ khi xảy ra dịch đến nay, công ty thất thu, bù lỗ vài trăm triệu đồng”, Ngọc Lan nói.
Trước đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phát động các chương trình kích cầu sâu rộng, giảm giá tour, vé may bay… lên tới 50%-60% nhằm thu hút khách ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
Riêng các hãng lữ hành, nhiều công ty cũng đã có hàng loạt kịch bản ứng phó nhằm ổn định tâm lý nhân viên, duy trì nguồn thu tạm thời để vượt qua dịch bệnh. Trong đó, nổi bật nhất chính là việc chăm sóc khách hàng thật tốt khi khách lựa chọn đi tour mùa dịch, tặng quà lưu niệm cho khách, giảm giá ưu đãi cho các nhóm khách.