Lễ hội tiếp tục nóng

Lễ hội tiếp tục nóng

Ngày 2-2, tức mùng 6 tháng Giêng, nhiều lễ hội lớn tại miền Bắc đã chính thức vào hội. Mặc dù đã có nhiều phương án đảm bảo mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh song do lượng du khách thập phương đổ dồn về quá đông, không khí ngày xuân náo nức vì thế bên cạnh hiện tượng ùn tắc, chen lấn… một số hành vi mới phát sinh như hiện tượng phát lộc ở chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội cũng đã khiến bức tranh lễ hội không được trọn vẹn.

Đền Gióng cướp hoa tre theo kịch bản

Ngay từ sáng sớm 2-2, hàng ngàn du khách và người dân địa phương đã có mặt tại khu vực trung tâm đền Sóc Sơn, Hà Nội để tham dự lễ hội Gióng - tưởng nhớ ân đức của Đức Phù Đổng Thiên Vương, một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ mùa hội trước, an ninh được thắt chặt, quy định không mang gậy vào khu vực hành lễ được thực hiện nghiêm. Mọi hoạt động từ rước, tế lễ… diễn ra yên ả đúng nghi thức trong vòng vây bảo vệ dày đặc của lực lượng bảo vệ, thanh niên tình nguyện. Sau nghi lễ dâng vật phẩm, lễ phẩm tế Thánh tại đền Thượng, màn “cướp” giò hoa tre và trầu cau mặc dù diễn ra theo đúng “kịch bản”, nghĩa là có hiệu lệnh tán lộc thì đám đông mới ào tới… tranh cướp. Không quá đông người như năm trước do lễ diễn ra vào ngày đầu đi làm, cũng không xảy ra xô xát lớn nhưng chỉ trong vòng ít phút toàn bộ số lộc thánh đã được tranh cướp sạch… Lực lượng bảo vệ cũng đã khá vất vả để giữ được toàn bộ lộc giò hoa tre, trầu cau được bảo vệ an toàn đến đền Hạ và đền Mẫu.

Tương tự, năm nay lễ hội làng Ném Thượng, Bắc Ninh vẫn tiếp tục diễn ra bình yên. Sau màn rước “ông ỉn” quanh làng, lễ chém lợn tế thành đã được tổ chức trong hàng rào kín, tránh hình ảnh phản cảm đồng thời ngăn không để người dân tiếp cận khu vực làm cỗ ngọc tế thánh. Mọi nghi lễ của ngày hội được tổ chức đúng nghi lễ truyền thống, theo tâm nguyện của đa số người dân Ném Thượng. Việc không chém lợn công khai trước sân đình gây phản cảm như trước đây có thể được coi là một tín hiệu đáng mừng của việc tuyên truyền, vận động sự ủng hộ vào cuộc của chủ thể lễ hội.

Chùa Hương hỗn loạn do… phát lộc

Được coi là có quy mô lớn và kéo dài nhất tại miền Bắc, lễ hội chùa Hương chính thức khai hội vào sáng mùng 6 tháng Giêng với sự tham dự của hàng ngàn phật tử và du khách thập phương. Bên cạnh các hiện tượng được coi là căn bệnh “cố hữu” chưa tìm ra giải pháp là ách tắc, ùn ứ cục bộ do có quá đông du khách đổ dồn về cùng một thời điểm thì năm nay chùa Hương lại phát sinh hiện tượng hỗn loạn ngay tại lễ khai hội do… phát lộc.

Du khách trên suối Yến tới chùa Hương

Ngay sau khi kết thúc lễ khai hội, một sư thầy đứng ra phát tặng lộc cho phật tử và du khách có mặt tại sân chùa. Với mong muốn có được lộc may mắn trong ngày đầu năm đi lễ hội, ai cũng giơ tay, mâm đĩa, mũ, nón ngửa ra xin thầy. Ban đầu sư thầy tặng tận tay từng du khách, phật tử, đến khi quá đông người không thể chia tiếp, lúc này lộc được phát lên không trung, hàng trăm cánh tay cùng vươn ra đón lấy. Lộc của chùa phát tặng là những chiếc vòng dây đỏ có gắn ngọc in chìm tượng Phật bên trong. Sự thèm muốn, háo hức mong có được lộc may mắn đã khiến cảnh tranh cướp diễn ra ngay tại sân chùa. Số lượng vòng lộc có hạn mà lượng người mong muốn nhận được lại quá lớn nên những hình ảnh giành giật diễn ra không tránh khỏi. Không chỉ thanh niên, trung niên mà còn có cả người già, trẻ nhỏ, phụ nữ cũng chen nhau lên phía trước, tranh giành xin bằng được vòng lộc gây cảnh hỗn loạn ngay tại sân Thiên Trù.

Chia sẻ với báo chí về hiện tượng này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, thừa nhận đây là hành vi mới phát sinh vì thế Sở VH-TT Hà Nội đã đề nghị ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn cần phải xem xét lại có phù hợp hay không. Đây là lần đầu tiên hiện tượng phát lộc được tổ chức tại lễ khai hội chùa Hương. Dù được thực hiện với mong muốn tốt đẹp là đem lại nhiều điềm lành cho người dân trong ngày đầu xuân nhưng cách ban lộc tự phát như vậy lại phản tác dụng, tạo nên những hình ảnh xô bồ, phản cảm ngay trong khuôn viên của cõi Phật. Dù có cố gắng, nỗ lực đến mấy nhưng nếu để tái diễn những hành vi tự phát gây hỗn loạn như chùa Hương trong khai hội này thì chắc chắn hình ảnh của mùa lễ hội năm nay sẽ vẫn tiếp tục xấu xí.

Ngày 2-2 (tức mùng 6 tháng Giêng Đinh Dậu), tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính năm 2017. Dự lễ khai hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương. Mùa lễ hội chùa Bái Đính được diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã đánh trống, đánh chiêng khai hội; tiếp đó, các đại biểu cùng các chư tôn đức đã dâng hương tại chùa thượng, thả chim phóng sinh cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa…

MAI AN

Tin cùng chuyên mục