Bên hành lang Quốc hội ngày 29-5, trao đổi với báo chí về một số vấn đề về thị trường báo chí hiện nay, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cho rằng, một số tờ báo mượn chiêu bài “đấu tranh chống tiêu cực” để khai thác các khía cạnh giật gân nhằm câu khách. ông Đào Trọng Thi cho biết:
Ở một số nước có những tờ báo được thành lập với tiêu chí là cung cấp thông tin lá cải, mang tính giải trí. Nhưng ở Việt Nam, không có loại hình này, mọi cơ quan báo chí đều gắn với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
* Nhưng cũng có những tờ báo đưa thông tin theo kiểu giật gân, câu khách, sa đà vào chuyện mê tín dị đoan, tình tiền tù tội, thưa ông?
* Đúng là có những bài báo mà Ban biên tập và tác giả không nhận thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội của mình nên thành “lá cải”. Cái này kể cả những tờ báo lớn cũng có thể mắc. Phải thừa nhận là những bài báo “lá cải” cũng phục vụ cho một lượng độc giả nhất định. Những sản phẩm này được tạo ra vô tình cũng có, mà cố tình cũng có với mục tiêu thu hút được độc giả, chạy theo lợi nhuận. Điều này sẽ làm cho báo chí đi chệch hướng, xa rời mục đích tôn chỉ định hướng dư luận xã hội, không hướng xã hội đến những điều tốt đẹp.
Đáng nói là một số bài báo đưa tin giật gân, câu khách về vụ án hoặc mô tả quá chi tiết diễn biến cụ thể của hành vi phạm tội lại nằm dưới chiêu bài “chống những hiện tượng xấu trong xã hội”. Đó mới là điều đáng sợ. Tôi không tin là tòa soạn cho đăng những bài đó với thực tâm chống cái xấu mà chỉ chạy theo lợi nhuận bán báo, nên chiêu bài “chống những hiện tượng xấu trong xã hội” chỉ là ngụy biện thôi.
* Dường như những hình thức xử phạt các trường hợp này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?
* Không riêng gì báo chí mà trong nhiều lĩnh vực khác mức xử phạt của chúng ta còn chưa nghiêm minh, chưa có tác dụng răn đe. Chúng ta định lượng chưa đúng tác hại của hành vi vi phạm nên mức phạt rất thấp. Theo tôi, người thực thi pháp luật phải kiên quyết, nghiêm minh hơn nữa thì mới bớt dần được vi phạm. Khi tính toán thiệt hại, chúng ta ít quan tâm tới thiệt hại về tinh thần. Trường hợp các bài báo thông tin sai lệnh kiểu “lá cải”, nếu tính về vật chất thì chả bao nhiêu nhưng vi phạm về quyền con người là rất nặng. Đáng lẽ chúng ta phải xử phạt rất nặng. Chính một phần do nhận thức của họ chưa tôn trọng những giá trị về tinh thần nên mới có tình trạng như hiện nay.
Nhưng phạt cũng chỉ là một phần. Điều khiến tôi băn khoăn là trong xã hội ta, thái độ của những nạn nhân, của những thông tin sai lệch, “lá cải”, chưa ý thức được và chưa có thái độ đấu tranh quyết liệt chống lại cái đó. Vừa qua cộng đồng báo chí đã lên tiếng phản đối báo “lá cải”, như thế là rất cần thiết. Thái độ tích cực ấy cần được khơi dậy, tức là báo chí và dư luận xã hội cần có sự đấu tranh chống lại trào lưu “lá cải hóa” của một bộ phận báo chí.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Chúng ta cần có những hình thức động viên nạn nhân của những bài báo sai lệch có biện pháp đấu tranh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Ở nước ngoài, chỉ một thông tin sai lệch về cá nhân cũng có thể làm tờ báo sập tiệm ngay. Người ta có thể kiện chứ không như ở ta – việc công khai xin lỗi, cải chính cũng còn khó chứ chưa nói tới bồi thường hay gì khác. Xã hội cũng cần nâng cao sức đề kháng thì mới bảo vệ được những điều tốt đẹp.
* Vậy theo ông, cơ quan quản lý nhà nước phải làm gì trước nạn báo chí “lá cải”?
* Không phải chúng ta không phạt, nhưng đa số các bài báo “lá cải” đó mà quy kết là vi phạm là rất khó. Mình có thể nói họ chưa sát tôn chỉ mục đích, hay đi chệch mục tiêu giáo dục hoặc nhiệm vụ định hướng dư luận nhưng nếu quy họ vào các điều khoản vi phạm pháp luật thì không phải dễ. Dù vậy, tôi ủng hộ việc chú ý tìm ra sơ hở của họ để xử phạt. Đặc biệt, như tôi đã nói, xã hội phải tăng cường sức đề kháng.
ANH THƯ ghi
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ: Vẫn còn một số báo theo xu hướng “lá cải”
Trao đổi với báo giới bên hành lang QH về thị trường báo chí hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ cho biết: Sắp tới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về đạo đức của người làm báo liên quan đến xử lý nguồn tin, khi đó sẽ bàn đưa thông tin ra như thế nào, liều lượng ra sao là đủ, đưa cái gì, đưa như thế nào… Chứ báo chí hiện nay đang khai thác các vấn đề được cho là dư luận quan tâm, xã hội quan tâm, đáp ứng thị hiếu, đi quá đà... như những gì một số báo đã phản ánh. Đi khai thác đời tư có cần đưa như thế không… Rồi chuyện giật gân, câu khách... Cái này thể hiện ý thức trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội.
Nếu anh không thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, cũng có nghĩa là anh không thể có những bài báo hay mà xã hội đòi hỏi. Ngoài thực hiện theo Luật Báo chí ra còn có những điều ý nghĩa quan trọng, đó là lương tâm con người. Một cháu bé bị xâm hại chẳng hạn, báo chí đưa phải có lương tâm, trách nhiệm. Phải làm sao để cháu bé phát triển nữa, cháu bé nó có tội tình gì, báo chí đâu nhất thiết phải đi sâu, đưa mặt cháu bé lên báo như thế. Nhà báo không thể để những khoản lợi nhuận nhỏ bé vượt lên trên lợi ích xã hội. Nước ta hiện nay đúng là có một số báo chí đưa thông tin theo xu hướng báo “lá cải”. Rõ ràng ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý của cơ quan chủ quản và của tổng biên tập. Là người được giao trách nhiệm quản lý tờ báo đó, tổng biên tập phải có trách nhiệm duyệt nội dung, trách nhiệm quản lý phóng viên. Tổng biên tập nào chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm đến đạo đức báo chí, không quan tâm đến lợi ích xã hội, nên nghỉ.
Hiện nay, hàng tuần đều có giao ban báo chí. Tất cả sai sót của báo chí đều được nêu, nhưng trên thực tế, một số nhà báo chưa quan tâm đến chuyện đó, vẫn viết theo xu hướng đó, vì vậy cần phải lên án.
Hiện nay báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển. Chúng ta chưa thể cho báo “lá cải” tồn tại. Biện pháp hiện nay là tăng cường mạnh mẽ hơn nữa việc xử phạt để giảm bớt các thông tin sai sự thật, nhảm nhí gây bức xúc trong dư luận xã hội.
TH.VINH
- Thông tin liên quan: