“Lịch sử cái đẹp”: Công cuộc khám phá cái đẹp dưới góc nhìn phương Tây

Umberto Eco là nhà văn nổi tiếng, gắn liền với nhiều tiểu thuyết đã được xuất bản tại Việt Nam như: Tên của đóa hồng, Con lắc Foucault, Nghĩa địa Praha, Số không. Mới đây, một tác phẩm đầy sức nặng của ông là Lịch sử cái đẹp (Nhã Nam và NXB Thế Giới xuất bản) cũng vừa được giới thiệu đến bạn đọc.
“Lịch sử cái đẹp”: Công cuộc khám phá cái đẹp dưới góc nhìn phương Tây

Umberto Eco là nhà văn, nhà lý luận, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh, đồng thời từng là biên tập viên các chương trình văn hóa của Đài Truyền hình Quốc gia Ý (RAI), bình luận viên tờ báo lớn nhất nước Ý L'Espresso, giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologne, giảng viên mỹ học và văn hóa học tại các trường đại học Milano, Firenze, Turino kiêm tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nước ngoài. Tờ Los Angeles Times đánh giá ông “là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta".

Umberto Eco chiếm một vị trí đặc biệt trong nền văn học và lý luận đương đại. Ông nghiên cứu nhiều lĩnh vực: ký hiệu học, triết học, mỹ học, văn học, phê bình văn học, dịch thuật, phê bình dịch thuật và là giáo sư ký hiệu học của trường đại học Bologna, ngôi trường lâu đời nhất châu Âu và châu Mỹ. Tên tuổi của Eco gắn liền với cuốn tiểu thuyết đầu tay Tên của đóa hồng - xuất bản lần đầu năm 1980. Cuốn sách đã trở nên nổi tiếng toàn cầu và được dịch sang 47 ngôn ngữ, bán được hơn năm mươi triệu bản.

"Lịch sử cái đẹp" được xem là bách khoa thư đồ sộ của Umberto Eco sau nhiều tiểu thuyết được độc giả yêu thích như: "Tên của đoá hồng", "Con lắc Foucault", "Nghĩa địa Praha", "Số không".

"Lịch sử cái đẹp" được xem là bách khoa thư đồ sộ của Umberto Eco sau nhiều tiểu thuyết được độc giả yêu thích như: "Tên của đoá hồng", "Con lắc Foucault", "Nghĩa địa Praha", "Số không".

Lịch sử cái đẹp được xem là công cuộc khám phá cái đẹp của Umberto Eco. Trên hành trình đó, ông đã dày công khai phá một chủ đề đặc biệt: Cái đẹp dưới góc nhìn của phương Tây xuyên suốt từ thời Hy Lạp cổ đại tới ngày nay.

Trong cuốn bách khoa thư đồ sộ với hơn 200 bức tranh và tiểu họa, hơn 50 tác phẩm điêu khắc, bình gốm cùng rất nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật thời trang, độc giả còn bắt gặp một khối lượng lớn những bài luận của Eco, các trích dẫn tác phẩm văn học, nghị luận, triết học, âm nhạc và khoa học với nỗ lực kiến giải phạm trù cái đẹp đa diện nhất.

Hiếm có một cuốn sách nào có thể cắt nghĩa được phạm trù cái đẹp tỉ mỉ và cẩn trọng như công trình của Umberto Eco. Từ những câu chữ đầu tiên, ông đã đặt cho độc giả của mình một câu hỏi: Liệu cái Đẹp và cái Tốt có phải là một? Đành rằng giữa Đẹp và Tốt tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau của con người, nhưng hai khái niệm này lại không thực sự đồng nghĩa. Hay nói cách khác, Tốt là những điều chúng ta muốn có cho bản thân, trong khi Đẹp là không mang trong mình sự tư hữu đó.

Đi ngược lại những khuôn mẫu cơ bản nhất của con người cho rằng cái Đẹp có liên quan mật thiết đến Nghệ thuật, thậm chí Nghệ thuật đại diện cho cái Đẹp, Umberto Eco khẳng định mối quan hệ này “hoàn toàn không hiển nhiên như chúng ta nghĩ”. Dù vậy, lý do cuốn sách Lịch sử cái đẹp lại sử dụng phần lớn dẫn chứng minh họa là các tác phẩm nghệ thuật là bởi trong nhiều thế kỷ qua, chính các nghệ sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia là những người nói cho chúng ta biết cái gì được họ coi là đẹp, và họ cũng để lại dẫn chứng về chúng.

Cái đẹp chưa bao giờ là tuyệt đối và bất biến, mà mang nhiều diện mạo khác nhau tùy thời kỳ lịch sử và tùy quốc gia. Điều này được áp dụng không chỉ cho cái đẹp hình thể (của đàn ông, phụ nữ hay phong cảnh thiên nhiên), mà cả cái đẹp tâm linh, ý niệm, Đấng cứu thế hay thần thánh. Bởi vậy, theo dòng thời gian, cuốn bách khoa thư Lịch sử cái đẹp của Umberto Eco sẽ đưa độc giả đi từ thời Hy Lạp cổ đại tới tận ngày nay, để hé mở cánh cửa của sự đẹp dưới quan điểm của thời đại.

Tin cùng chuyên mục