Lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức các Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) xuất hiện loại hình hoạt động tương tác. Việc tổ chức những chương trình đa dạng gắn liền với các hoạt động chung trong LHP góp phần làm cho ngày hội điện ảnh của Việt Nam thêm rộn ràng, có sức lan tỏa mạnh hơn và thay đổi quan niệm chỉ dành riêng cho giới hoạt động điện ảnh…
Bốn đơn vị chung tay thực hiện hoạt động này là Công ty Sài Gòn Truyền thông (Saigon Media), Công ty Điện ảnh Truyền thông Sài Gòn (Saigon Movie Media), Công ty Giải trí Phước Sang và Trung tâm Văn hóa Hòa Bình với các chương trình: Ca nhạc - giao lưu “Ấn tượng nhạc và phim”, hội chợ - triển lãm “Điện ảnh và công chúng” và trang trí “Con đường điện ảnh”.
Bà Thế Thanh, Giám đốc Saigon Media, một trong 4 đơn vị tổ chức nói: “Đối với Việt Nam hoạt động này được xem là mới mẻ, tuy nhiên nó lại rất phổ biến ở các LHP quốc tế”. Với mục tiêu hướng đến một LHPVN gần với những LHP của thế giới, năm nay ban tổ chức cố gắng tạo nên một LHP mang màu sắc chuyên nghiệp hơn.
Ngày 8-12, LHPVN chính thức khai mạc, tuy nhiên hoạt động tương tác được bắt đầu từ 7-12 với đêm nhạc “Ấn tượng nhạc và phim” do đạo diễn Phạm Hoàng Nam thực hiện, diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình vào 20 giờ ngày 7-12, sẽ được xem là những lát cắt của điện ảnh Việt Nam qua nhạc phim…
Từng thời kỳ của điện ảnh Việt Nam được khơi gợi lại bằng những bài hát gắn liền với phim. Mảng phim điện ảnh cách mạng có “Bài ca trên núi” (phim Vợ chồng A Phủ), “Bài ca không quên” (phim cùng tên), “Ngọc trong đá” (phim cùng tên). Mảng phim video thị trường có “Vĩnh biệt mùa hè” (phim cùng tên). Phim truyền hình có “Chị tôi” (phim Người Hà Nội), “Dòng sông không trở lại” (phim Dòng đời), “Cô Tấm ngày nay” (phim Chuyện nhà Mộc), “Giã từ dĩ vãng” (phim cùng tên), “Giấc mơ tuyết trắng” (phim Tuyết nhiệt đới), “Đôi” (phim Cô gái xấu xí). Phim giải trí gồm “Chân tình” (phim Lọ lem hè phố), “Tiếc” (phim Bẫy rồng). Phim nghệ thuật là ca khúc chầu văn “Cô đôi thượng ngàn” (phim Mê thảo)…
Ngoài thưởng thức các nhạc phẩm, điểm đặc biệt của đêm nhạc là khán giả sẽ được xem lại những trích đoạn phim gắn liền với các ca khúc, được giao lưu với các nghệ sĩ đại diện cho các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh cách mạng VN là NSND Trà Giang, Thế Anh, nghệ sĩ Lân Bích, Minh Đức; thế hệ nghệ sĩ điện ảnh sau 1975 là NSƯT Lê Cung Bắc, diễn viên Việt Trinh, đạo diễn Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng... các diễn viên, người mẫu đóng phim Trương Ngọc Ánh, Anh Thư, Ngọc Diệp, Ngô Thanh Vân, Trang Nhung, Trần Vân Anh… “Đó sẽ như một cách thức để chương trình tôn vinh, tri ân những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh lớp trước, những người đã cống hiến rất nhiều cho nền điện ảnh nước nhà, đồng thời giới thiệu những gương mặt trẻ với những thành công nhất định”. Chương trình được bán vé 400.000 - 250.000 - 100.000 - 80.000 đồng.
Một hoạt động khác là Hội chợ - Triển lãm “Điện ảnh và công chúng” sẽ giới thiệu một khu trưng bày điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ, điện ảnh Việt Nam với thế giới và điện ảnh của TPHCM.
Hội chợ tập trung 40 gian hàng của các hãng phim, các doanh nghiệp liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động điện ảnh. Có gian hàng mời cả chuyên gia hóa trang Nhật Bản đến và có thể hóa trang tại chỗ cho khán giả nào muốn thử thay đổi gương mặt của mình trong chốc lát. Nữ đạo diễn Việt Linh cũng bay về từ Pháp để góp mặt trong hội chợ phim bằng một gian hàng sách điện ảnh với những đầu sách từ “Tủ sách điện ảnh” mà chị làm chủ biên và những chiếc giỏ xách tay do chính chị thiết kế với chất liệu vải được mang về từ Pháp. “Xuất phát từ sở thích cá nhân và nó được hình thành từ những lần lang thang sưu tầm của tôi” – chị cho biết. Ngoài ra, tại gian hàng của chị sẽ liên tục chiếu một bộ phim về môi trường “rất đẹp và đặc sắc” có tên Home…
Liên tục trong các đêm từ 8 đến 11-12, tại hội chợ sẽ có sân khấu biểu diễn của các nhóm nhạc, nhóm hài và nhóm múa nổi tiếng, và giao lưu với các diễn viên, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng với Những nụ hôn rực rỡ và dàn diễn viên Minh Hằng, Thanh Hằng, Phương Thanh, Phước Sang…; Lê Thanh Sơn với Bẫy rồng và các diễn viên Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn; ngoài ra còn có đạo diễn Việt Linh với phim Mê Thảo, đạo diễn Vinh Sơn với phim Trăng nơi đáy giếng và nhà thơ Đỗ Trung Quân trong vai trò dẫn chương trình cho các đêm giao lưu này.
Riêng “Con đường điện ảnh” sẽ được thiết kế dọc theo đường Ba Tháng Hai trước Nhà hát Hòa Bình bắt đầu từ đường Cao Thắng. Các nhà tổ chức muốn biến đoạn đường này thành địa điểm giới thiệu những hình ảnh về phim Việt Nam.
Với các hoạt động tương tác này, rõ ràng năm nay lần đầu tiên LHPVN mở rộng phạm vi hoạt động đến nhiều tầng lớp công chúng, để công chúng hiểu thêm về điện ảnh VN trong thời kỳ đổi mới và hội nhập
HÀ GIANG – NHƯ HOA