Liên kết đưa hàng Việt xuất ngoại

Thông qua các kênh bán lẻ hiện đại, trong năm 2019, rất nhiều sản phẩm hàng Việt sẽ được “chắp cánh” để mở rộng thị phần tại các thị trường nước ngoài như Singapore, Philippines, Nhật Bản…
Hàng hóa Việt ngày càng chinh phục người tiêu dùng quốc tế
Hàng hóa Việt ngày càng chinh phục người tiêu dùng quốc tế

Tạo dựng được uy tín ở nhiều nước

Bên cạnh tổ chức phát triển hoạt động bán lẻ tại thị trường trong nước, những năm gần đây, các hệ thống kênh bán lẻ hiện đại và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã rất nỗ lực trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua các thị trường nước ngoài. Một điểm có thể thấy là các nhà bán lẻ trên thị trường đều có sẵn hệ thống phân phối bán lẻ ở nước ngoài. Như Lotte Mart, nhà bán lẻ này đã có sẵn hệ thống bán lẻ tại Hàn Quốc, BigC có chuỗi siêu thị tại Thái Lan. Ngay cả Saigon Co.op cũng đã thông qua liên kết với đối tác NTUC FairPrice xuất khẩu gần 700 mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu cho tới các sản phẩm chất tẩy rửa… với doanh thu bình quân 6 triệu USD/năm sang thị trường Singapore.

Ngoài gần 700 mặt hàng đã có mặt ở thị trường Singapore mấy năm qua, trong năm 2018 vừa qua, Saigon Co.op còn cung ứng cho FairPrice đưa hơn 20 mặt hàng mới của Việt Nam vào hệ thống của nhà bán lẻ này, trong đó có những mặt hàng mang tính đột phá như tôm cá, sữa, bánh tráng, phở, bún organic. Đặc biệt, 3 loại trái cây là hồng xiêm, bưởi Năm Roi, thanh long ruột đỏ của Việt Nam đã được giới thiệu đến người tiêu dùng, góp phần quảng bá trái cây Việt Nam đến những thị trường có yêu cầu cao như Singapore.

Theo đánh giá của NTUC FairPrice, quan hệ hợp tác giữa FairPrice và Saigon Co.op đang ngày càng phát triển mạnh mẽ; nhờ đó, tính từ năm 2010-2017, sản phẩm Việt Nam xuất sang Singapore đã tăng đến 76%. Nhiều người dân Singapore “phải lòng” hàng Việt vì giá cả rất cạnh tranh, chất lượng cũng ngày càng được cải thiện.
 
Bên cạnh thị trường Singapore, Philippines cũng là quốc gia có nền sản xuất phát triển mạnh nhưng cũng là nơi đang tiêu thụ khá nhiều hàng Việt. Theo đại diện của URC Việt Nam, năm 2018, URC đã cùng với tập đoàn mẹ JG Summit Holdings phối hợp tổ chức Hội chợ hàng Việt tại Philippines quảng bá cho 2 sản phẩm chủ lực gạo và cá tra của Việt Nam. Mục đích nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm Made in Vietnam và được người dân Philippines rất ưa chuộng vì chất lượng, phù hợp với khẩu vị và túi tiền của người dân bản địa. Dự kiến, ngoài Philippines, trong năm 2019, doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng danh mục hàng Việt để xuất khẩu sang nhiều nước khác trên thế giới. 

Đảm bảo chất lượng để tiêu thụ ổn định

Đối với thị trường Nhật Bản, theo các đối tác nước này, hiện tại người tiêu dùng Nhật Bản đã bắt đầu quan tâm đến những sản phẩm được nhập khẩu từ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác song phương Nhật Bản - Việt Nam như cá tra, trái cây, sản phẩm may mặc, thực phẩm và đồ gia dụng. Thời gian qua, thông qua một nhà bán lẻ của Nhật Bản, rất nhiều mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam đã tiếp cận được với người tiêu dùng tại xứ sở mặt trời mọc. 

Hay như thị trường vốn nhiều cạnh tranh với hàng Việt là Thái Lan, vài năm trở lại đây, hàng Việt cũng đã dần thâm nhập vào thị trường này, đặc biệt là các loại đặc sản của Việt Nam như vải thiều, hạt điều, cà phê, hạt tiêu.

Việt Nam với lợi thế về trồng trọt và sản xuất nhiều sản phẩm nông sản nhiệt đới, nên từ lâu Việt Nam nổi tiếng trên thế giới về các sản phẩm nông sản như gạo, cá tra, cà phê, hạt điều… cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đậm chất công phu, đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Tiếp đó là các sản phẩm thực phẩm chế biến từ các nguyên liệu nông sản đặc trưng của Việt Nam.  

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về nguồn gốc, chất lượng và giá thành có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các nhà nhập khẩu, để có thể xuất khẩu trực tiếp vào các kênh bán lẻ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ và đáp ứng nghiêm ngặt các điều kiện về tiêu chuẩn cho sản phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất đến thu hoạch. Trong đó, công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng rất cần thiết và phải tuân thủ, vì đây là hành vi đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện tại. 

Truy xuất nguồn gốc vốn là câu chuyện lâu nay, hoạt động sản xuất của Việt Nam còn lơ là và do điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún làm cản trở việc áp dụng. Song, đến thời điểm này, từ nông dân đến doanh nghiệp chế biến cần thay đổi về nhận thức và hành động. Mặt khác, điều mà các nhà sản xuất phải chú ý nữa là tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cho sản phẩm. Khi hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ, các mặt hàng của Việt Nam sản xuất mới có thể tiếp cận tốt và trụ vững trên các thị trường với khả năng cao.

Tin cùng chuyên mục