TPHCM hiện có 630 cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực. Từ chiến trường trở về, họ đang tiếp tục làm rạng danh phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ”…
1. Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Thế Hùng, CCB ngụ tại ấp 3, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM khi ông đang bận việc ngoài vườn. Ông tâm sự: “Ngày rời quân ngũ trở về vốn liếng không có, lại là thương binh 4/4, sức khỏe yếu nên khi đối diện với cái nghèo, tôi không khỏi lo lắng…”.
Ngày ngày, nhìn mảnh ruộng hơn 1ha của ông bà để lại nhưng bị nhiễm phèn chẳng thể làm gì được, ông Hùng đứng ngồi không yên. Rồi ông mạnh dạn phá bỏ 6.000m² đất nhiễm phèn để đào ao nuôi cá. Rất may, ông được Hội CCB xã cho vay vốn mua cá giống...
Lúc đầu, ông nuôi các loại cá trắm, mè, trôi, chép... và thu hoạch được 30-40 triệu đồng/năm, sau ông chuyển sang nuôi cá tra xuất khẩu. Năm đầu ông nuôi 20.000 con cá tra và thu hoạch được 18 tấn cá. Nhận thấy sinh lợi cao, năm sau ông thả thêm 50.000 con cá tra nữa và thu hoạch được 42 tấn cá, lãi tới 120 triệu đồng. Ông tiếp tục cải tạo 1.500m² đất để xây chuồng trại chăn nuôi và mỗi năm thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, ông cải tạo tiếp 2.000m² đất còn lại để trồng cây ăn trái. Từ mảnh đất cằn cỗi năm xưa, nay nhà ông Hùng đã hình thành mô hình “Vườn-ao-chuồng” (VAC) trù phú, ông trở thành “tỷ phú miệt vườn” khá nổi tiếng. Có thu nhập cao, ông giúp vốn cho các hộ nghèo khác có điều kiện vươn lên như mình.
Để có được thành quả hôm nay, ông bảo: “Nhờ có “chất thép” của người lính bộ đội Cụ Hồ nên đã giúp tôi “biến sỏi đá thành cơm” và tìm thấy cuộc sống ấm no hạnh phúc”.
2. Từ chiến trường Campuchia trở về, bị mất 71% sức khỏe, anh Trần Trọng Ân (thương binh 2/4, ngụ tại phường 10, quận 8) tưởng mình sẽ bó tay trước cuộc sống. Nhưng không chịu đầu hàng số phận, anh vay 150 triệu đồng vốn xóa đói giảm nghèo của Hội CCB quận 8 để mở xưởng sản xuất giày dép tại nhà. Lúc đầu anh chỉ “lấy công làm lời” nhưng sau nhờ sản phẩm bền đẹp, có uy tín nên tiêu thụ khá nhanh. Nhờ vậy, anh mở rộng sản xuất và nhận thêm 30 lao động vào làm, trong đó đa số là thương binh, CCB...
Khi đã có “của ăn, của để”, anh quay lại giúp vốn hơn 300 triệu đồng cho hơn 100 lượt hội viên CCB vay không lãi để anh em phát triển kinh tế gia đình.
Anh Phạm Văn Tân, thương binh bị cụt cả hai chân được anh Ân giúp đỡ nay đã có cuộc sống khá hơn và không sao nói hết tấm lòng biết ơn… Với tình nghĩa đồng đội, anh Ân còn ủng hộ 6 căn nhà tình nghĩa (trị giá 30 triệu đồng/căn), tặng 40 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai trị giá hơn 20 triệu đồng cho con các thương binh, CCB. Ngoài ra, anh còn giúp 60 triệu đồng cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, đồng bào bị thiên tai lũ lụt, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách, dân nghèo. Với tấm lòng vàng ấy, anh Ân được bình chọn gương “Người tốt việc tốt” suốt 7 năm liền và được Hội CCB cấp TP và Trung ương tặng bằng khen vì tinh thần vượt khó, làm giàu cho bản thân và đồng đội.
3. Tương tự, anh Đoàn Hữu Nghiêm, thương binh 3/4 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM), sau khi rời quân ngũ trở về năm 2003, anh cũng thành lập công ty và giải quyết việc làm ổn định cho 120 công nhân, trong đó đa số là CCB... Sau khi thoát nghèo, hàng năm anh ủng hộ 100 triệu đồng giúp hội viên CCB vay vốn không lấy lãi. Anh còn cung cấp hàng hóa cho 10 CCB mở cửa hàng và mỗi cửa hàng đạt doanh thu tới 70-80 triệu đồng/tháng. Hàng năm, anh ủng hộ phường-quận từ 20-80 triệu đồng để thực hiện các chương trình từ thiện xã hội ở khu dân cư. Nhiều năm liền, anh được Trung ương Hội CCB VN tặng bằng khen vì làm kinh tế giỏi và luôn hết lòng vì đồng đội.
Tại buổi gặp mặt 500 CCB làm kinh tế giỏi toàn quốc mới đây, các CCB nhớ mãi lời nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Chiến đấu chống giặc ngoại xâm đã khó, nay những CCB tham gia chiến đấu chống giặc đói nghèo lại càng khó hơn. Dẫu vậy, lúc nào CCB Việt Nam nêu cao phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, làm rạng ngời thêm vẻ đẹp của người anh hùng trên trận tuyến mới…”
MINH YẾN