Hậu quả nghiêm trọng
Toàn TPHCM hiện có 9.669 trụ nước cứu hỏa, 1.843 bể chứa nước chữa cháy (có thể tích hơn 50m3), nhưng vẫn chưa thể đảm bảo được công tác chữa cháy trong tình hình hiện nay. Trước thực tế đó, năm 2015, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07 - Công an TPHCM) đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan lắp mới hơn 6.800 trụ nước trong giai đoạn từ năm 2016-2020. Thế nhưng đến nay, số trụ nước lắp mới chỉ được 1.036 trụ, còn thiếu 5.775 trụ nước so với kế hoạch, mục tiêu đưa ra. Theo PC07, khu vực thiếu trụ nước nhiều nhất tập trung ở các huyện ngoại thành, quận ven thành phố như: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, quận 9… Nhiều nơi thiếu nghiêm trọng, cách nhiều cây số vẫn không có trụ nước, trong khi theo quy định cách 300m phải có 1 trụ nước.
Không chỉ thiếu, hệ thống trụ nước chữa cháy hiện có còn đang xuống cấp nghiêm trọng. Ghi nhận của chúng tôi, dọc các tuyến đường Phạm Hùng (quận 8), Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), quốc lộ 1 (quận Bình Tân), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), Quang Trung (quận Gò Vấp)… hiện đang có hàng trăm trụ cứu hỏa hư hỏng. Nhiều trụ bị nghiêng, có trụ bị mất nắp, mất ti; không ít trụ bị những người thiếu ý thức mang đá, rác bỏ vào miệng trụ. Đáng nói hơn, các trụ nước đã hư hỏng nhiều năm nhưng không được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng duy tu, sửa chữa.
Đội trưởng một đội chữa cháy khu vực trực thuộc PC07 cho hay, việc hệ thống trụ nước chữa cháy thiếu và xuống cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy. Thậm chí, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số vụ cháy lan cháy lớn xảy ra trong thời gian qua. “Nhiều vụ cháy trong bán kính hơn 500m, chúng tôi không tìm thấy trụ nước cứu hỏa nào. Nếu hiện trường vụ cháy gần sông rạch, hồ tích nước của các doanh nghiệp, chung cư thì chúng tôi tận dụng nguồn nước này, chứ không sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bởi chữa cháy mà không có nước thì chẳng khác nào xung trận mà không vũ khí trong tay”, vị đội trưởng này nói.
Cuối năm 2018, sửa xong các trụ chữa cháy hư hỏng
Đại diện lãnh đạo PC07 cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, thời gian qua đơn vị đã chủ động phối hợp với ngành cấp nước và giao thông thành phố đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục để từng bước lắp mới, hoàn thiện số trụ nước còn thiếu. Cụ thể, trong 3 năm qua đã lắp mới gần 1.500 trụ nước chữa cháy. Về công tác duy tu, nâng cấp hệ thống trụ nước, ống cấp nước chữa cháy xuống cấp, hư hỏng, năm 2017, thành phố đã ghi vốn 922 triệu đồng phục vụ công tác sửa chữa các trụ nước bị hỏng; tuy vậy, đến nay công tác này vẫn chưa được triển khai.
Giải thích việc chậm sửa chữa các trụ nước hư hỏng, tại buổi làm việc của đoàn đại biểu HĐND TPHCM với Công an TPHCM mới đây, Đại tá Dương Văn Phóng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết Cảnh sát PCCC là đơn vị thụ hưởng, quản lý, sử dụng nhưng không có chuyên môn sửa chữa các trụ nước chữa cháy, do đó phải mời gọi nhà thầu, đơn vị thi công. Quá trình mời gọi, chưa tìm được nhà thầu thì tiếp tục phát sinh các trụ nước hư hỏng mới, vì vậy công tác sửa chữa cứ kéo dài. Cũng tại buổi làm việc này, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh đã yêu cầu Công an TPHCM phối hợp cùng Sở GTVT TPHCM, Tổng công ty Cấp nước TPHCM bàn phương án khắc phục dứt điểm các trụ nước hư hỏng trong năm 2018 để đảm bảo nguồn nước chữa cháy.
Trụ nước bị mất nắp trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp
UBND TPHCM yêu cầu chính quyền, công an địa phương tăng cường theo dõi, giám sát, phòng ngừa tình trạng phá hoại, xâm hại trụ nước chữa cháy. Cần xem việc lấy cắp nắp trụ, xâm hại trụ nước chữa cháy là hành vi phá hoại tài sản nhà nước; khi phát hiện phải xử lý nghiêm để nâng tính răn đe. Đồng thời, UBND TPHCM cho biết việc đầu tư, lắp mới hệ thống các trụ nước còn thiếu phải có quá trình, cần thời gian dài. Do đó, để đảm bảo nguồn nước chữa cháy, các quận huyện, đơn vị cảnh sát PCCC trực thuộc Công an TPHCM phải linh động mở rộng, xây dựng thêm bến bãi lấy nước ở dọc sông rạch, xây thêm các hồ tích nước…