Lo vì sính ngoại

Với nhiều người, du học được xem là con đường trải đầy hoa hồng để dẫn đến thành công và cũng là mục tiêu của rất nhiều bạn trẻ. Nhưng liệu có chắc rằng khi ra nước ngoài, trở về sẽ thuận lợi, hay chỉ giải quyết phần “oai” với họ hàng và bạn bè?

Phụ huynh của N.H.Đ.A (quận 6) rục rịch chuẩn bị cho con đi du học Nhật Bản khi cậu chỉ vừa vào cấp 3, chỉ vì nghe bạn bè kể “sang đấy vừa học vừa làm, mỗi năm cũng có dư cả trăm triệu đồng, lại còn có bằng cấp nước ngoài”.

Với 350 triệu đồng, một trung tâm tư vấn du học Nhật Bản tại quận Bình Thạnh cam kết sẽ lo mọi thủ tục du học và sẽ lo việc làm cho Đ.A. khi sang Nhật.
Nhà vốn cũng không khá giả gì nên cũng phải mất đến 2 năm, gia đình mới có thể gom góp đủ số tiền này. Đức Anh đã rất háo hức khi biết mình sẽ được sang Nhật học, suốt ngày khoe khoang với bạn bè.
Vài tháng sau khi tốt nghiệp cấp 3, Đ.A. chính thức đặt chân đến Nhật Bản, bắt đầu cuộc sống du học sinh. Nửa năm đầu, chỉ phải học để thi đầu vào nên cậu có nhiều thời gian để đi tham quan nhiều nơi. Cậu thường xuyên gọi điện về nhà, khoe rằng cuộc sống bên đây rất vui nên gia đình cũng phần nào yên tâm.
Nhưng sau khi bắt đầu đi học và đi làm, số lần cậu gọi về nhà cũng ít hơn dần. Đ.A. theo học chuyên ngành quản trị khách sạn của một trường đại học ở tỉnh Okinawa và trường có rất ít du học sinh Việt. Ngại giao tiếp với người lạ nên khi đi học cậu đã không kết giao được nhiều bạn bè mới.
Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng mỗi ngày, cậu đến làm việc tại một cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh và cơm văn phòng. Sau khi đi học về, buổi tối Đ.A đến quán ăn rửa chén 2 tiếng rồi mới về nhà. Những lần gọi về, cậu chỉ toàn buồn rầu, than vãn, khiến ba mẹ cậu thấy lo lắng nhưng cũng chỉ biết động viên, an ủi nhưng không hề có ý muốn con quay về.
Rồi những năm du học cũng kết thúc, Đ.A. về nước với 1 tấm bằng cùng với hơn 400 triệu đồng, cậu đã tích góp được. Cậu đưa số tiền đó cho mẹ xem như trả xong chi phí du học ban đầu và bắt đầu tìm việc. 
Không khó để được nhận vào làm khi sở hữu tấm bằng nước ngoài, nhưng quá trình làm việc lại không mấy thuận lợi. Những năm tháng sống khép mình ở Nhật đã khiến cậu gặp trở ngại lớn khi giao tiếp với đồng nghiệp và khách hàng. 4 năm xa quê cũng khiến những hiểu biết về văn hóa và con người Việt Nam phần nào hạn chế.
Cứ 3-4 tháng. Đ.A. lại nộp đơn xin nghỉ rồi tìm chỗ làm mới và cậu cũng chưa từng nghĩ đến hoạch định lâu dài cho tương lai. Sau hơn 1 năm tốt nghiệp, công việc của Đ.A. vẫn cứ bất ổn nếu so với 1 sinh viên tốt nghiệp loại khá - giỏi tại Việt Nam.
Câu chuyện của Đ.A. không phải chuyện hiếm, nhất là với tâm lý sính bằng cấp và ước mơ đổi đời, nhiều gia đình dù không khá giả, vẫn sẵn sàng vay mượn để cho con được mác đi du học.
Ngoan như Đ.A. khi đi học về, vẫn gửi gia đình tiền trả nợ chi phí “chạy” du học, lại hiếm hơn khi có nhiều trường hợp, các bạn trẻ không quay trở về, giúp gia đình mà lang bạt ở nước ngoài kiếm sống hoặc hưởng thụ. Bởi vậy, đừng bao giờ nghĩ, du học chỉ để cho oai… 

Tin cùng chuyên mục