Loạn khuyến mãi, giảm giá

Trong thời buổi cạnh tranh kinh doanh khốc liệt, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đang rầm rộ rao khuyến mãi, giảm giá sản phẩm với lời mời chào hấp dẫn, ấn tượng, như “Khuyến mãi khủng”, “Rẻ nhất TPHCM”, “Rẻ không đâu bằng”, “Bán dưới giá vốn”… Tuy nhiên, qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc tại TPHCM phản ánh nhiều nơi chỉ rao khuyến mãi, giảm giá bán sản phẩm như một chiêu lừa để câu khách.
Loạn khuyến mãi, giảm giá

Trong thời buổi cạnh tranh kinh doanh khốc liệt, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đang rầm rộ rao khuyến mãi, giảm giá sản phẩm với lời mời chào hấp dẫn, ấn tượng, như “Khuyến mãi khủng”, “Rẻ nhất TPHCM”, “Rẻ không đâu bằng”, “Bán dưới giá vốn”… Tuy nhiên, qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc tại TPHCM phản ánh nhiều nơi chỉ rao khuyến mãi, giảm giá bán sản phẩm như một chiêu lừa để câu khách.

        Rao vậy nhưng không phải vậy

Một siêu thị điện máy tại quận 5 đang có đợt bán khuyến mãi điện thoại, máy tính…, giảm giá tới 50%. Theo đó, chiếc điện thoại Nokia Lumia 720 giá gốc 7,2 triệu đồng giảm còn 6,6 triệu đồng, giảm chưa đến 10%. Khi dọ giá điện thoại này ở các nơi khác, không biết đâu là giá gốc, giá bán. Chẳng hạn, tại siêu thị điện máy T.Đ. (quận 6) giá điện thoại này là 7,2 triệu đồng; còn cửa hàng N. (đường Trường Chinh, quận 12) là 6,8 triệu đồng. Tương tự, cửa hàng laptop G.H. (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) cũng đang có chương trình “Khuyến mãi, xả hàng tồn, giá sốc” với sản phẩm laptop các loại. Nhưng theo bạn đọc Mai Thị Quế Ngọc (ngụ đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) phản ánh, thật ra sản phẩm không được giảm giá như quảng cáo. Cụ thể, chiếc Sony Vaio SVE1413TCX/S bán tại G.H. gần 10,5 triệu đồng, bằng giá sản phẩm cùng loại được bán tại siêu thị H.L. (Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3). “Chẳng hiểu, siêu thị này giảm giá chỗ nào? Thà đừng quảng cáo giảm giá, để người mua khỏi bị sốc” - chị Quế Ngọc phàn nàn.

Khách chọn mua hàng giảm giá tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM.

Khách chọn mua hàng giảm giá tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM.

Các mặt hàng tiêu dùng, thời trang cũng không ngoại lệ, mỗi nơi một giá. Bạn đọc Nguyễn Công Toàn (ngụ đường Lê Văn Sỹ, quận 3) kể: “Ngày 15-7, tôi có mua chiếc mắt kính thời trang mã số TX-C thương hiệu G. (xuất xứ Hàn Quốc) bán tại cửa hàng kính thuốc gần Bệnh viện Mắt TPHCM, được quảng cáo bán giảm giá 50%, chỉ còn 1,3 triệu đồng. Do vậy, tôi đã trả tiền mua ngay, không chút đắn đo. Hôm sau, tôi ghé một tiệm bán mắt kính trên đường Lý Thái Tổ (quận 10), mới tá hỏa phát hiện chiếc mắt kính tôi đã mua chỉ có giá 700.000 đồng”.

Nhiều công ty kinh doanh chiêu dụ khách hàng đặt mua hàng trực tuyến lúc… nửa đêm để hưởng ưu đãi giảm giá 15% - 20%, có khi khuyến mãi lên tới 60% (theo quy định, mức giảm giá, khuyến mãi tối đa chỉ được dưới 50%). Tuy nhiên, bạn đọc Hoàng Danh (ngụ đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh) phản ánh dù đã thức chờ đến nửa đêm gọi vào tổng đài đặt hàng thì… kẹt mạng; chuyển qua mua trực tuyến, kết nối mạng của công ty lại chập chờn. Do vậy, không thể không nghi ngờ những chương trình giảm giá kiểu này chỉ là chiêu trò quảng cáo của người bán.

Bên cạnh đó, chiêu thức “khuyến mãi giờ vàng, mua hàng giá rẻ” cũng đang khiến khách hàng chuốc lấy bực mình. Người mua phải xếp hàng vào thời gian nhất định trong ngày (như 7 giờ sáng, 12 giờ trưa hoặc 1 giờ chiều) mới được mua sản phẩm giá khuyến mãi, nhưng không phải ai chịu khó xếp hàng giờ đó cũng đều mua được, bởi chỉ bán khuyến mãi tượng trưng vài sản phẩm cho vài người!? Các mặt hàng bán khuyến mãi không phong phú như quảng cáo, chỉ là các sản phẩm giá trị thấp như USB, điện thoại màn hình đen trắng, chảo,... Để biện minh cho lý do hết hàng, nhân viên siêu thị thường đưa ra giải thích chung chung, như khách hàng tới đông quá, số lượng sản phẩm hết sớm so với dự định ban đầu(?). Thế nhưng, khách hàng hỏi có bao nhiêu sản phẩm khuyến mãi đợt “Giảm giá giờ vàng” thì nhân viên siêu thị không trả lời được. Chưa kể, không hiếm trường hợp khách hàng phải ôm cục nợ khi mua trúng sản phẩm bỏ mẫu do kém chất lượng, sản phẩm ti vi trưng bày đã mở liên tục cả năm, khi bán khuyến mãi giá rẻ hơn giá gốc nhưng không được bảo hành.

        Người mua chịu thiệt

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều có những chương trình khuyến mãi… quanh năm. Tất nhiên, việc bán hàng dù khuyến mãi cũng có lợi cho các doanh nghiệp, điểm kinh doanh. Bản thân người tiêu dùng cũng có lợi. Chẳng có gì đáng nói, nếu nơi bán hàng thực hiện đúng cam kết về khuyến mãi, giảm giá sòng phẳng để người tiêu dùng không bị thiệt thòi. Song, trên thực tế, không hiếm nơi cố tình buôn bán, kinh doanh chụp giựt khiến người tiêu dùng “méo mặt”.

Sở Công thương TPHCM có nhiệm vụ quản lý, giám sát các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhưng doanh nghiệp được quyền chủ động đưa ra mức giá bán sản phẩm, nên việc giám sát toàn bộ các đơn vị khuyến mãi, giảm giá sản phẩm không dễ. Hiện chưa có căn cứ nào để xác định giá thực của sản phẩm, thì làm sao biết được giá giảm là bao nhiêu. Trao đổi về hiện tượng mập mờ khuyến mãi, giảm giá của các siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng đơn vị nào sai phạm sẽ phải chịu hình thức xử phạt cụ thể. Tuy vậy, ông Khoa cũng cho biết việc doanh nghiệp né luật để khuyến mãi khủng là có thật, nhưng không nhiều.

Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, khi có khiếu kiện, khiếu nại về mức độ thiệt hại cụ thể của người tiêu dùng, các cơ quan chức trách mới vào cuộc, nhưng người tiêu dùng phải đợi khá lâu. Do vậy, để tránh tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách mua hàng nơi uy tín.

Vẫn biết, khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, nhưng để mua được sản phẩm giảm giá đích thực rõ ràng không dễ chút nào. Do vậy, Sở Công thương TPHCM cùng các ban, ngành hữu trách cần tăng cường quản lý, giám sát chặt các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm bảo vệ người tiêu dùng không bị lừa trước các chiêu bài giảm giá ảo!

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục