Lợi bất cập hại từ du lịch “ăn xổi”

Hơn một năm trước, TP Đà Lạt đã ban hành bộ “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt” nhằm góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp về phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, hướng đến xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và phát triển.

Suốt chiều dài xây dựng, phố núi này luôn giữ được những hình ảnh là một điểm đến thơ mộng. Nhưng vài năm gần đây, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, vẫn còn những bộ phận làm du lịch có cách ứng xử khiến du khách “giật mình”.

Tại Cầu Đất, xã Trạm Hành (TP Đà Lạt), từ một cơ sở ban đầu hình thành vài năm trước, bây giờ các khu “săn mây” mọc lên như nấm sau mưa, đi đâu du khách cũng thấy các bảng hiệu, chỉ dẫn. Người dân và du khách vào cửa dù không mua vé, nhưng phải mua một loại nước bất kỳ với giá không dưới 100.000 đồng/người.

Nhiều cơ sở đã sắp xếp người đứng tại các ngã ba khu đồi chè Cầu Đất chèo kéo du khách; nếu ai không đi theo chỉ dẫn, sẽ bị cản trở. Từ đây, mâu thuẫn giữa những hộ kinh doanh “săn mây” nổi lên, những động thái giành giật khách giữa đường, khiến không ít du khách hoảng sợ. Để rồi, vì muốn chứng kiến cảnh đẹp từ thiên đường mây sương, nhiều du khách chấp nhận theo “cò” dẫn vào những địa điểm kinh doanh.

Một số hộ dân còn đưa loa công suất lớn, đọc đi đọc lại chỉ dẫn vào khu của mình, càng khiến không gian thanh bình bị “ô nhiễm âm thanh”. Chưa hết, ở những khu “săn mây” này còn xuất hiện hàng chục căn lều trái phép, dùng đón khách ở qua đêm. Những hiểm họa về an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với du khách khi lưu trú nơi đây.

Nhiều du khách cũng ngao ngán trước một số người làm du lịch chạy theo trào lưu, thiếu bản sắc. Chỉ cần dạo vài vòng quanh thành phố, xuôi về hướng ngoại ô, ai cũng sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái hụt hẫng khi bắt gặp những hình ảnh được “sao chép” một cách thức thời, những công trình đồ sộ theo hình thức “ăn xổi” được xây dựng giữa không gian núi rừng.

Thực tế, Cổng trời Bali Đà Lạt (lấy ý tưởng từ đền Pura Lempuyang trên đảo Bali, Indonesia), bàn tay Phật khổng lồ (tương tự bàn tay tại Philippines), cây cầu vàng (giống cầu vàng ở Đà Nẵng), cầu thang vô cực… tồn tại với những tiểu cảnh bóng loáng, được sơn phết đủ màu hỗn loạn, từng đem lại sự tò mò cho du khách, thì đang dần rơi vào quên lãng khi du khách thường chỉ đến một lần.

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách đến với Đà Lạt không đông như kỳ vọng. Đường phố thông thoáng, khách sạn trống phòng khá nhiều. Dường như kiểu làm du lịch “ăn xổi”, mai một những sản phẩm truyền thống, đã và đang làm giảm sức hút của Đà Lạt đối với du khách.

Tin cùng chuyên mục