Theo đài RFI, là loài côn trùng đóng vai trò quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái khi tham gia vào việc thụ phấn cho các loài thực vật, tình trạng suy thoái, thậm chí nguy cơ tuyệt chủng của loài ong thực sự là một lời báo động về môi trường sống trên trái đất.
Nhà khoa học Yves Le Conte của Viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp nhận định, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng loài ong có thể bị tận diệt là do những thay đổi của môi trường xung quanh loài côn trùng này. Nền nông nghiệp ngày càng mang tính thâm canh khiến cho không gian của loài ong ngày càng bị thu hẹp. Tiếp đến là việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu đang gây ra những tác hại nặng nề cho sự tồn vong của loài ong. Các chất hóa học, ví dụ như chất neonicotinoide, có trong thuốc trừ sâu không giết ngay mà giết từ từ những con ong. Thêm nữa, tác động của con người lên cây trồng với quy mô lớn, đất canh tác không còn đa dạng về môi trường, tức không còn đa dạng về phấn hoa, khiến nguồn protein, nguồn vitamin cho loài ong giảm đi. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là một nhân tố khiến cho loài ong bị “rối loạn”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lionel Garnery của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho rằng, sức sống của loài ong rất mãnh liệt, chúng đã từng sống sót qua nhiều thời kỳ băng hà ở châu Âu. “Về nguyên tắc, loài ong khó bị tận diệt. Vấn đề là ở sự chuyển biến của xã hội con người, là tác động của con người lên đa dạng sinh thái. Dù có biến đổi khí hậu, nếu cứ để cho thiên nhiên tự tác động, cũng sẽ có những con ong sống sót”, nhà nghiên cứu Garnery nhấn mạnh.
Một diễn biến khá quan ngại gần đây, theo ông Le Conte, là việc một số người dự tính các phương thức để thay thế những vai trò loài ong như thể sự diệt vong của loài côn trùng này là điều khó tránh khỏi. Theo đó, một số nhà nghiên cứu ở một vài quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, dự định sử dụng “ong robot” để có thể thay thế cho những con ong thật. “Nghe qua có vẻ thú vị nhưng về mặt công nghệ đây là một dự án không tưởng và điều này cũng cho thấy con người quá tự mãn. Suy cho cùng, con người đang cần và vẫn sẽ cần đến loài ong. Có những loài cây trái cần đến ong để thụ phấn. Nếu loài ong mất đi, con người sẽ gặp nhiều vấn đề về canh tác, về sản xuất thực phẩm”, ông Le Conte cảnh báo.
Hậu quả sự diệt vong của loài ong không chỉ rất nặng nề về mặt thực phẩm, mà sự diệt vong này còn là biểu tượng của sự suy thoái môi trường nghiêm trọng. Trong thiên nhiên, nhiều loài cây cỏ sống hoàn toàn dựa vào sự thụ phấn của loài ong. Nếu một giống ong nào đó chuyên giúp thụ phấn cho một loại cây bị mất đi, cây đó sẽ chết. Vì thế, sự suy thoái của loài ong là một tín hiệu báo động cho sự sống trên Trái đất. Con người cần phải xem sự tồn tại của loài ong là một cái ngưỡng không nên vượt qua và phải tìm mọi cách để bảo vệ chúng. Bảo vệ loài ong chính là bảo vệ môi trường sống của con người.