Lợi dụng dự án để phá rừng

Lâm tặc trà trộn vào nhân công khai thác gỗ rừng trồng để qua mặt cơ quan chức năng khai thác gỗ tự nhiên trái phép. Ngoài ra, rừng còn mất bởi chính đơn vị dự án vì đã khai thác gỗ ngoài phạm vi cho phép.
Gỗ tận thu dự án Đường dây điện 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 được tập kết, chờ chuyển đi
Gỗ tận thu dự án Đường dây điện 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 được tập kết, chờ chuyển đi

Trà trộn

Khu vực xã Ia Dreh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) nằm giáp ranh lâm phần của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Tại tiểu khu 1430 và 1432 (xã Ia Dreh), nhiều cây gỗ bị lâm tặc cưa hạ trái phép, gốc còn ứa nhựa. Trong đó, có nhiều cây đã bị xẻ hộp mang đi, chỉ còn bìa, cành ngọn. Nhiều cây khác, lâm tặc cưa hạ xong chưa kịp mang đi, còn để lại tại hiện trường.  

Theo UBND huyện Krông Pa, tại tiểu khu nói trên, vừa qua, ngành chức năng đã kiểm tra phát hiện có 58 cây gỗ đã bị cưa hạ, thiệt hại hơn 9,5m3 gỗ, tạm giữ hơn 6,6m3 gỗ xẻ các loại và 1 xe máy. Theo nhận định, đối tượng gồm một số người dân địa phương khai thác gỗ để làm nhà và một số khác khai thác ở khu vực giáp ranh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tại khu vực giáp ranh giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, tình trạng khai thác rừng trái phép diễn ra phức tạp, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Chỉ từ năm 2017 đến năm 2019, tại khu vực này, đã phát hiện, xử lý 78 vụ và 96 đối tượng vi phạm.

Đối tượng vi phạm chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sống tại xã Krông Năng và Ia Dreh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), thường tập trung thành 7-8 nhóm, mỗi nhóm từ 5-10 người. Lợi dụng Công ty MDF Vinafor Gia Lai đang khai thác rừng trồng, họ trà trộn với nhân công, dựng lán tại khu vực giáp ranh để khai thác gỗ. Sau đó, các đối tượng dùng xe máy để vận chuyển mang đi bán cho các đầu nậu.

Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) cho biết, để ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép ở vùng giáp ranh 2 tỉnh, sắp tới, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng tuần tra truy quét. UBND huyện cũng đã có văn bản đề nghị Công ty MDF Vinafor Gia Lai, nếu thấy các đối tượng lạ vào lâm phần dựng lán trại thì thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý.

Đơn vị làm dự án cũng vi phạm

Dự án Đường dây điện 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 đi qua nhiều cánh rừng tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. UBND tỉnh Kon Tum giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (viết tắt Công ty Kon Plông) khai thác, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng.

Công ty Kon Plông hợp đồng với Công ty TNHH MTV Du lịch Khánh Dương Măng Đen (viết tắt Công ty Khánh Dương Măng Đen, huyện Kon Plông) khai thác, tận thu. Tuy nhiên, khi triển khai tận thu lâm sản ở dự án nói trên, nhân công tham gia đã cưa hạ gỗ ngoài ranh giới được khai thác.

Cụ thể, vào ngày 15-4, Cộng đồng thôn Vi Chring (xã Hiếu) trong lúc tuần tra, phát hiện tình trạng gỗ bị khai thác ngoài dự án nên báo cơ quan chức năng. Lực lượng chức năng kiểm tra, đối chiếu với tài liệu liên quan thì phát hiện có 9 cây gỗ bị chặt hạ trái phép tại lô 4 (khoảnh 3, tiểu khu 497, thuộc Rừng Cộng đồng thôn Vi Chring, xã Hiếu quản lý bảo vệ) với khối lượng hơn 4,5m3 gỗ tròn. Vị trí 9 cây gỗ cưa hạ không nằm trong ranh giới được khai thác tận dụng lâm sản hành lang Đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2.

Hạt Kiểm lâm Kon Plông phối hợp với Công an huyện Kon Plông mời ông Lê Minh Tứ, tổ trường tổ khai thác của Công ty Khánh Dương Măng Đen và ông Nguyễn Văn Nhân (48 tuổi, trú tại tỉnh Đắk Lắk), người làm thuê để làm rõ vụ việc. Ông Nhân khai nhận đã chặt hạ 9 cây trên.

Theo ông Bùi Quốc Đổng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, liên quan đến vụ phá rừng này, UBND huyện đã chỉ đạo điều tra, làm rõ. Hiện đơn vị đang tiếp tục xác minh. Hạt cũng đã kiến nghị UBND huyện Kon Plông chỉ đạo Công ty Kon Plông kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc giám sát khai thác dự án nhưng để xảy ra khai thác gỗ trái phép. Một lãnh đạo UBND xã Hiếu cho biết, sự việc may mắn được Cộng đồng thôn Vi Chring phát hiện kịp thời, nếu không thì gỗ ngoài phạm vi khai thác có thể bị đốn hạ nhiều hơn.

Ngoài vị trí cưa hạ trái phép 9 cây gỗ nói trên, phóng viên còn ghi nhận tại một điểm tận thu gỗ khác, có một số cây gỗ cũng đã bị khai thác nằm khá xa so với hành lang. Phần lớn cây bị cưa xong đã được vận chuyển ra khỏi hiện trường. Một số cây bị cưa hạ ghi chữ “ngoại tuyến” kèm theo số thứ tự gốc cây.

Ông Bùi Quốc Đổng cho biết, không rõ hàng chữ “ngoại tuyến” và số thứ tự gốc cây mà phóng viên nêu được đơn vị nào ghi và với mục đích gì, có phải do bị khai thác trái phép hay không. Hạt Kiểm lâm huyện sẽ cho người kiểm tra, xác minh và thông tin lại khi có kết quả.

Tin cùng chuyên mục