Mạng lưới thuế mang tên thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) là loại thuế gián tiếp tương tự như thuế giá trị gia tăng (VAT) và được Ấn Độ thực hiện từ đầu tháng 7 vừa qua. Điểm khác biệt ở đây là GST sẽ thay thế một loạt thuế thu gián tiếp ở Ấn Độ, bao gồm cả VAT để nhà nước thống nhất quản lý.
Tại Ấn Độ, thuế VAT chỉ dành tính cho các sản phẩm giao dịch mà không chịu trách nhiệm mảng dịch vụ. Hơn nữa, từng bang tại Ấn Độ quy định mức thuế VAT khác nhau cũng như cơ chế thu thuế riêng biệt. Do đó, những giao dịch hàng hóa liên bang sẽ khó bị truy cứu thuế VAT do khác biệt về hệ thống thuế. Vì vậy, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cải cách mạng lưới thuế bằng hệ thống GST, qua đó áp dụng các loại thuế gián tiếp, bao gồm VAT lên tất cả các loại hình kinh doanh, từ hàng hóa thông thường cho đến những loại hình kinh doanh dịch vụ. Bằng việc loại bỏ tình trạng thuế chồng chéo lẫn nhau, GST sẽ khiến tỷ lệ lạm phát tại Ấn Độ đi xuống trong dài hạn khi các mặt hàng chỉ phải đóng thuế một lần. Hơn nữa, tình trạng thất thu ngân sách từ mảng thuế cũng sẽ được hạn chế.
Ngoài ra, GST sẽ được điều hành thống nhất bởi chính phủ chứ không bị phân tán nhỏ lẻ theo từng bang như trước đây, qua đó truy, tra được những hoạt động giao dịch liên bang. Tuy giá cả các mặt hàng tăng trong ngắn hạn do tâm lý thị trường trước hệ thống thuế mới cộng với việc nâng thuế với loại hình kinh doanh dịch vụ từ 15% lên 18% sẽ khiến nhiều sản phẩm tăng giá ngắn hạn. Bên cạnh đó, do GST có mức thuế bình quân vào khoảng 18%-24%, cao hơn mức thuế VAT bình quân 12%-15% nên các hãng bán buôn, bán lẻ cũng nâng giá để bù thiệt hại. Nhưng, các chuyên gia cho rằng lợi ích dài hạn và tính hợp lý của GST sẽ hạ nhiệt thị trường và đẩy giá cả hàng hóa về mức cũ trong dài hạn.
Ấn Độ là quốc gia có ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tỷ lệ hơn 9% kể từ năm 2001, qua đó đóng góp 57% GDP tính đến năm 2013. Bởi vậy, việc Ấn Độ thực hiện GST nhằm tăng cường kiểm soát thuế trong ngành này là điều dễ hiểu. Ngoài ra, việc có quá nhiều loại thuế ở từng bang khác nhau cùng những quy định khác biệt khiến các doanh nghiệp rất ngại giao dịch thương mại liên bang. Bằng việc tổng hợp các khoản thuế và thống nhất quy định với GST, ngành thương mại nội địa ở Ấn Độ chắc chắn sẽ phát triển hơn. Với dân số 1,3 tỷ người và thị trường 2.400 tỷ USD, 29 bang và 7 khu vực trực thuộc liên bang, Ấn Độ đã có bước đi tiến bộ trong cải cách hệ thống thuế. Cục trưởng Cục Thuế quốc gia Ấn Độ Hasmukh Adhia cho biết: “Tác động của GST đến kinh tế Ấn Độ trong trung hạn được dự đoán là rất tích cực: Lạm phát sẽ giảm do việc đánh thuế chồng chéo được chấm dứt. Thu ngân sách từ thuế sẽ gia tăng trong khi thâm hụt ngân sách sẽ được kiểm soát tốt hơn. Ngành xuất khẩu sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ đổ vào nhiều hơn”.