Lỗi tại truyền thông?

Phim thành công vang dội phòng vé được ca tụng hết lời; còn khi thất bại, trong hằng hà sa số lý do, đang có xu hướng quy trách nhiệm cho truyền thông, quảng bá. 

Qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương” khi phim hay mặc định có khán giả. Trong mọi trường hợp, chất lượng phim và chiến dịch truyền thông tốt luôn luôn phải là hai yếu tố song hành. Đặc biệt hiện nay với sức ảnh hưởng của mạng xã hội, hiệu ứng truyền miệng là tối quan trọng. Một bộ phim gây “bão mạng”, được khán giả đặt lịch phải ra rạp để xem đã là thành công bước đầu. Còn nếu cứ lặng lẽ, thậm chí khán giả không biết phim khi nào khởi chiếu coi như trăm đường thua thiệt.  

Nhưng nói như thế, công tác quảng bá không thể quyết định tất cả. Bởi xét cho cùng, một phim hay không có nghĩa phù hợp số đông khán giả, hay tạo được hiệu ứng truyền miệng; đánh trúng tâm lý và thị hiếu khán giả mới là yếu tố tiên quyết. Ở phương diện này, bộ phim Người cần quên phải nhớ là trường hợp điển hình khi có chiến dịch truyền thông khá bài bản, chỉn chu. Chỉ tiếc là, nội dung phim đã không thể kéo khán giả đến rạp và tạo thành hiệu ứng.  

Hiện nay, chi phí cho các hoạt động quảng bá của phim Việt vẫn còn khá hạn chế, khác hẳn với độ chịu chi của phim Hollywood khi ngân sách dành cho quảng bá luôn cao. Các chiến dịch này có thể kéo dài trong vòng vài năm từ khi dự án khởi động, nhưng đặc biệt được tập trung 1 - 2 tháng trước khi phim phát hành và khoảng 1 tháng sau khi phim ra rạp. Các hoạt động quảng bá đa dạng: tung trailer, nhạc phim, tổ chức giao lưu với diễn viên, quảng cáo trên tivi, Internet, trong thang máy, dùng ảnh hưởng của người nổi tiếng… 

Câu hỏi đặt ra là, bài toán truyền thông và tiếp thị như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và luôn đi đúng hướng trong suốt lộ trình? Trước hết, bản thân bộ phim phải có đủ các chất liệu cho các chiến dịch truyền thông: nội dung thu hút, dàn diễn viên ăn khách, thể loại hấp dẫn… Thành công của Chị Mười Ba, Ròm, Tiệc trăng máu… là bằng chứng. Quan trọng không kém, các chiến dịch truyền thông cần nhất quán về thông điệp cũng như định hướng muốn truyền tải đến khán giả. Điều này, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà sản xuất, nhà phát hành hay đơn vị truyền thông để đạt hiệu quả cao nhất. Mọi phát ngôn, hành động liên quan đến bộ phim nếu chệch khỏi đường ray đó đều mang đến những hệ quả xấu.  

Trường hợp của bộ phim Cậu Vàng là bằng chứng cho những lỗi “cẩu thả” về mặt truyền thông, vô hình trung góp lửa cho làn sóng tẩy chay phim cả trước và sau khi phim ra rạp. Trong quá khứ, trường hợp của Song lang cũng từng được phân tích cặn kẽ, liệu chiến dịch truyền thông đó đã thực sự đúng đường?   

Truyền thông cùng với chất lượng nghệ thuật, doanh thu chính là 3 nhân tố để đánh giá thành công một bộ phim. Do đó, một bộ phim thất bại, không phải lúc nào cũng nên đổ lỗi hoàn toàn cho truyền thông.

Tin cùng chuyên mục