Long An dốc sức đầu tư hạ tầng giao thông

Với vị trí giáp TPHCM và là cửa ngõ kết nối miền Tây, đồng thời nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Vấn đề quan trọng là đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ nhằm đáp ứng mục tiêu lâu dài. Đây là một trong những nhiệm vụ được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định tạo bước đột phá. Từ đó, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 giữ vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL, năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tăng thu ngân sách

Những năm qua, Long An có bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, nhờ đó đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn vùng. Bên cạnh sự quan tâm của Trung ương trong việc đầu tư các tuyến quốc lộ (QL) 1, QL50, QLN1 và N2, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đầu tư và khai thác tuyến ĐT 830, kết nối 4 huyện trọng điểm công nghiệp (Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc và Cần Đước) đến cảng Long An, dần hoàn thiện tuyến đường vành đai TP Tân An; thực hiện các công trình giao thông phục vụ phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm.

Các tuyến giao thông huyết mạch này đã đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; qua đó góp phần quan trọng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 9,11%/năm. Long An lấp đầy thêm gần 1.500ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đang hoạt động trên 85%, cụm công nghiệp đang hoạt động trên 77%.

Tỉnh hiện có gần 12.000 doanh nghiệp trong nước hoạt động; thu hút đầu tư nước ngoài trên 1.000 dự án. Hiệu quả từ những chương trình mang lại đã góp phần đưa Long An trở thành địa phương có quy mô nền kinh tế dẫn đầu vùng ĐBSCL, là một trong những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư ở ĐBSCL, là tỉnh có nguồn thu ngân sách cao trong khu vực.

Long An dốc sức đầu tư hạ tầng giao thông ảnh 1 ĐT 830, trục chính kết nối từ huyện Đức Hòa qua Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước về cảng Long An

Ông Đặng Văn Tuấn, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho rằng: Tuy hạ tầng giao thông của tỉnh có bước đột phá mạnh trong thời gian qua, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến phát triển chung của tỉnh. Long An là một trong 8 tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng hệ thống GTVT, nhất là phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, còn hạn chế.

Các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 của TPHCM đi qua địa bàn tỉnh Long An chậm được triển khai thực hiện. Tuyến QL62, N2 được xem là huyết mạch vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, nhưng quá tải, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, tỉnh lại thiếu những tuyến đường mang tính kết nối đồng bộ trong khu vực, vì thế, nhiều nhà đầu tư dù thấy được tiềm năng to lớn của Long An, nhưng vẫn e ngại khi tiếp cận…

Giao thông tiến trước, kinh tế tiến theo

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho rằng: “Với vị trí giáp ranh TPHCM, là cửa ngõ miền Tây và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế. Yêu cầu tất yếu là phải có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định thực hiện trong 5 năm tới”. Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các công trình trọng điểm gồm: ĐT 827E, ĐT 830E, hoàn thiện đường vành đai TP Tân An và thực hiện chương trình đột phá huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông.

Để triển khai thực hiện hiệu quả việc huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sớm ban hành các nghị quyết, chương trình cụ thể; UBND tỉnh sẽ ban hành các quyết định, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của từng cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, tăng cường phối hợp, kịp thời giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Trong thời gian tới, Long An tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; trong đó xem công nghiệp là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Với hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đồng bộ thì việc đầu tư các công trình trọng điểm và thực hiện chương trình đột phá huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là rất quan trọng. 

Kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2015-2020, cho thấy việc sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các địa phương vùng kinh tế trọng điểm sẽ góp phần mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra nguồn lực đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Do đó, việc tập trung đầu tư theo định hướng của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, sẽ góp phần quan trọng để Long An xây dựng nền tảng phát triển nhanh, bền vững.

Tin cùng chuyên mục