Lớp học "níu giữ" nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô

Trăn trở trước những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Kô đang dần mai một, thời gian qua, bằng nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả, tại Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã và đang tích cực tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng, hát dân ca nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Lớp học đặc biệt này luôn thu hút đông đảo người dân tham dự. Từ lứa tuổi thanh niên, trung niên cho đến những người cao tuổi ai cũng hào hứng đến để được học về cách đánh cồng chiêng, nâng cao kỹ năng biểu diễn các nhạc cụ truyền thống và nhất là được tìm hiểu để thêm tự hào về truyền thống dân tộc mình.

Một lớp học cồng chiêng được tổ chức tại xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)

Một lớp học cồng chiêng được tổ chức tại xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)

Năm nay dù đã 85 tuổi nhưng già làng Hồ Cu Chảnh (ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa) vẫn rất minh mẫn và tâm huyết giữ gìn văn hóa của dân tộc mình.

“Các nhạc cụ truyền thống hiện nhiều gia đình còn lưu giữ, nhưng ít người chơi được. Từ nhỏ tôi được học từ những người lớn tuổi, bạn bè về cách chơi các nhạc cụ truyền thống và dần thông thạo. Văn hóa cồng chiêng rất quan trọng đối với người Pa Kô và Vân Kiều, bởi muốn lưu giữ lại truyền thống văn hóa cồng chiêng ấy là phải có trống, kèn bè, chập chèng,... để phục vụ trong các lễ hội. Các lớp học về nhạc cụ truyền thống là rất hữu ích và tôi mong muốn hướng dẫn cho con cháu để các cháu cũng biết đánh trống, đánh chiêng rồi thổi tù và, để văn hóa không bị mai một”, già làng Hồ Cu Chảnh chia sẻ.

Già làng Hồ Cu Chảnh thuần thục các nhạc cụ và được mời tham gia đứng lớp để hướng dẫn sử dụng các nhạc cụ truyền thống

Già làng Hồ Cu Chảnh thuần thục các nhạc cụ và được mời tham gia đứng lớp để hướng dẫn sử dụng các nhạc cụ truyền thống

Anh Hồ Văn Ngởi (32 tuổi, trú xã Lìa, huyện Hướng Hóa) chia sẻ: “Bản thân tôi là một người con của núi rừng, là một người con của dân tộc Pa Kô, tôi rất tự hào về dân tộc mình vì đã có những nét văn hóa truyền thống rất độc đáo và điều đó luôn thôi thúc tôi phải cố gắng để làm sao gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay văn hóa của Pa Kô đang dần bị mai một, điều đó cũng là điều làm tôi rất lo lắng và luôn tự nhủ phải cố gắng cùng với các bạn thanh thiếu niên trẻ tuổi cùng nhau giữ gìn các bản sắc văn hóa của cha ông để lại”.

Nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều và Pa Kô gồm cồng, chiêng, trống, khèn bè, đàn môi, đàn ta lư, thanh la, tù và, ta ngát và được sử dụng trong nhiều lễ hội, đời sống hàng ngày như lễ mừng lúa mới, đâm trâu, a riêu ping,…

Nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều và Pa Kô gồm cồng, chiêng, trống, khèn bè, đàn môi, đàn ta lư, thanh la, tù và, ta ngát và được sử dụng trong nhiều lễ hội, đời sống hàng ngày như lễ mừng lúa mới, đâm trâu, a riêu ping,…

Ông Hồ Văn Pâng (40 tuổi) cho biết, đã chạy xe máy khoảng 40km từ thị trấn Khe Sanh đến xã Lìa để ham gia lớp học. Từ nhỏ, ông Pâng đã biết chơi một số nhạc cụ và thường xuyên học hỏi từ những người đi trước, lớp học này là cơ hội để ông biết thêm nhiều người chung đam mê, từ đó trau dồi thêm.

Lớp học thu hút đông đảo người tham gia

Lớp học thu hút đông đảo người tham gia

Đến nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa đã mở 3 lớp học cồng chiêng với sự tham gia của gần 300 học viên đến từ 20 xã, thị trấn trên địa bàn. Tất cả học viên tham gia đều là người dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Kô. Hai dân tộc có nét văn hóa tương đồng, cùng chung sống trên dãy Tây Trường Sơn, sử dụng chung các loại nhạc cụ trong đời sống thường ngày và lễ hội.

Nhiều lễ hội truyền thống cũng được phục dựng gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Nhiều lễ hội truyền thống cũng được phục dựng gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết: “Mục đích của việc triển khai các cái lớp tập huấn, biểu diễn cồng chiêng trên địa bàn huyện Hướng Hóa năm nay trước hết là để là nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số về ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Thứ hai là nâng cao kỹ năng biểu diễn các loại nhạc cụ trong các buổi biểu diễn cồng chiêng. Thứ ba nữa là tạo cơ hội để thành viên của các câu lạc bộ ở các thôn bản có dịp để giao lưu, học hỏi, nâng cao các kỹ năng biểu diễn. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả chúng tôi sẽ rà soát để hỗ trợ điều kiện hoạt động cho các câu lạc bộ di sản, nhất là về cồng chiêng và kết hợp vào đó là tổ chức tiếp các đợt tập huấn về hát dân ca truyền thống của người Vân Kiều và Pa Kô để góp phần cho bà con giữ gìn, bảo tồn các bản sắc độc đáo của dân tộc mình”.

Tin cùng chuyên mục