Lũ quét, sạt lở khắp nơi: Có nguyên nhân từ “nhân tai”

Gần đây, nhiều khu vực trên cả nước liên tục xảy ra hiện tượng sạt lở núi đồi, sạt lở bờ sông, thậm chí nứt đất, sụt lún đất bất thường, chưa rõ nguyên nhân… PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Tân Văn (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT), xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến các vụ sạt lở, sụt lún vừa xảy ra tại nhiều địa phương?

* PGS-TS TRẦN TÂN VĂN: Các vụ sạt lở đất đá trên sườn đồi núi, các mái taluy đường giao thông thường xảy ra trong mùa mưa lũ. Để hiểu nguyên nhân, trước tiên cần hiểu về độ ổn định sườn dốc thường do 3 nhóm yếu tố quyết định. Thứ nhất, hình thái sườn dốc như độ dốc, chiều cao, chiều dài, chiều rộng…

PGS-TS TRẦN TÂN VĂN

PGS-TS TRẦN TÂN VĂN

Thứ hai là chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc. Ví dụ ở các tỉnh Tây Nguyên thì phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa thành đất đỏ có chiều dày lớn, tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá hủy kết cấu khi bão hòa nước, nên có thể xếp vào loại đất dễ sạt lở. Đặc biệt là các sườn dốc “nhân tạo”, ví dụ những nơi phải đổ đất, đắp lên, đầm chặt thành nền đường thì lại càng dễ bị trượt sạt.

Thứ ba là do nước, cả nước mặt lẫn nước ngầm. Nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt. Những đợt mưa lớn dài ngày khiến đất đá bị bão hòa chính là yếu tố kích hoạt trực tiếp gây sạt trượt, nứt đất thời gian qua.

Còn hiện tượng đất bỗng nhiên sụt lún, nứt gãy… thì do đâu, thưa ông?

* Nói về nứt đất, trong địa chất học gọi là đứt gãy, theo nguồn gốc, các nhà khoa học thường phân biệt gồm 2 loại: thứ nhất, đứt gãy có nguồn gốc nội sinh, hình thành do những vận động địa chất sâu xa trong lòng trái đất; thứ hai, đứt gãy có nguồn gốc ngoại sinh hình thành.

Theo tôi, các vụ vừa xảy ra ở Tây Nguyên chủ yếu là loại thứ hai. Các vết nứt xuất hiện chính là dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Theo thời gian, nếu vết nứt ngày càng lớn, dài, sâu thì khả năng trượt lở sẽ càng cao. Tại những nơi có địa hình dốc và có nhiều hoạt động nhân sinh (tác nhân) như san gạt đồi núi lấy mặt bằng xây nhà cửa, công trình, làm đường sá… rất dễ làm mất chân sườn dốc, có nguy cơ trượt lở cao khi mưa lớn kéo dài.

Các sườn núi, sườn đồi tự nhiên thường ít xảy ra sạt trượt bởi quá trình phong hóa, xói mòn, rửa trôi… Nhưng nếu có hoạt động nhân sinh tác động vào, như làm đường, mở rộng đường, san gạt, tạo mặt bằng để làm nhà, xây đô thị, chặt cây đốt rừng để trồng cây ăn trái, làm mất đi lớp phủ thực vật bảo vệ tự nhiên, làm ứ đọng nước trên sườn dốc… thì sườn dốc không còn tự nhiên nữa, dễ xảy ra sạt trượt, nứt, sụt.

Một khu vực đồi núi ở Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị đào phá tan hoang, tạo nên các “bẫy tử thần” trên quốc lộ 1D. Ảnh: NGỌC OAI

Một khu vực đồi núi ở Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị đào phá tan hoang, tạo nên các “bẫy tử thần” trên quốc lộ 1D. Ảnh: NGỌC OAI

Đâu là giải pháp để phòng tránh nguy cơ, thưa ông?

* Trong giai đoạn 2012-2020, Bộ TN-MT đã giao Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam chủ trì đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở các vùng, miền núi Việt Nam”. Đề án đã tiến hành điều tra, đánh giá nhằm xây dựng hệ thống bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở cho nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Lâm Đồng, Đắk Nông.

Nhưng hiện đề án này đã dừng, có lẽ là để điều chỉnh lại việc tổ chức thực hiện. Về lâu dài, cần tiếp tục triển khai đề án này, vì kết quả của đề án cung cấp cho các địa phương những thông tin hết sức hữu ích về hiện trạng, nguy cơ trượt lở cao có thể xảy ra ở đâu... Từ đó có cơ sở xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, lên phương án di dời người dân đến chỗ an toàn.

Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, lấy mặt bằng xây dựng làm mất chân sườn dốc. Các dự án làm đường rất dễ xảy ra tình trạng này. Ngay từ đầu, cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc “nhân tạo” cẩn thận, tính toán kỹ các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ trượt lở.

Các nhà khoa học đang vào cuộc

TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, cho biết, viện đã thành lập một đoàn khảo sát vào tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng để điều tra nguyên nhân, đánh giá tác động các vụ sạt lở, sụt lún, nứt đất… để có những kết luận chi tiết hơn và chính xác hơn. “Đầu tiên, chúng tôi phải nghiên cứu quang cảnh, hiện trạng xảy ra vụ nứt vỡ, sạt lở, điều kiện địa chất bị biến đổi ra sao, nhất là dự kiến những tác động xấu, xấu hơn nữa sẽ xảy ra tiếp theo”, TS Trịnh Xuân Hòa cho biết.

Con người đã can thiệp thô bạo vào tự nhiên

Theo PGS-TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, sạt lở núi liên tục gia tăng là do phá rừng đầu nguồn, chuyển đổi đất rừng ồ ạt, khai thác khoáng sản, lâm sản không theo quy hoạch, nhiều hầm mỏ, thủy điện đua nhau xây dựng. Ngoài ra, do muốn ra mặt đường để tiện kinh doanh, đi lại, nhiều nơi đã bất chấp nguy hiểm, san đồi bạt núi làm nhà cửa, xây dựng công trình dân sinh ở chân núi, chân taluy, đầu các ngầm, tràn, cửa suối… dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy, sụt đất.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, cho biết đến thời điểm này, cơ quan chuyên môn đã xác định được bản đồ ngập lụt, sạt lở, lũ quét tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc, với khoảng 730 xã có nguy cơ cao lũ quét, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất. Dù vậy, thực tế dự báo, cảnh báo chỉ mang tính chất định tính, chưa thể chỉ ra chính xác ngày giờ nào, địa điểm nào sẽ có mưa lũ, sạt lở.

Để hạn chế phần nào hậu quả do tàn phá môi sinh và tác động của biến đổi khí hậu gây ra sạt lở, lũ quét hiện nay, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (Bộ NN-PTNT) đề nghị, phải khẩn trương cứu rừng, bảo vệ rừng, trồng lại rừng bằng những loại cây tự nhiên, có tính năng giữ đất, nước.

Tin cùng chuyên mục