Lũ rút chậm

Trong ngày 12-11, tại các vùng ngập lụt của tỉnh Phú Yên, Bình Định lũ bắt đầu rút dần, chính quyền cùng với người dân tập trung khắc phục hậu quả của bão và lũ. 
Công an tỉnh Phú Yên giúp người dân thị xã Sông Cầu khắc phục hậu quả bão số 12. Ảnh: XUÂN HUYÊN
Công an tỉnh Phú Yên giúp người dân thị xã Sông Cầu khắc phục hậu quả bão số 12. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Tại các rốn lũ của huyện Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu (Phú Yên), hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên vẫn đang được duy trì để chờ lũ rút, giúp dân khắc phục nhà cửa, trường học, công trình, sớm ổn định đời sống. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết, trong ngày 12-11, 120 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân được phân công về các vùng ngập sâu để giúp dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh làng xóm, trụ sở, trường học. 

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, hiện vẫn còn 33.400 học sinh chưa thể đến trường vì một số trường vẫn còn bị ngập lụt và đường đến trường bị chia cắt. Nhiều vùng dân cư tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) vẫn đang bị ngập, người dân tranh thủ dùng nước lũ để thau rửa nhà cửa, đồ đạc. Mưa lũ khiến ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nhật Huyền (tổ 8, khu vực 7, phường Nhơn Phú) bị hư hại nặng nề. Nhà bà Huyền xây dựng vào năm 2008, nước lũ kéo về từ đêm 10-11 đã làm xói lở, sụt lún nền nhà, tường nứt toác nguy cơ sập. Nhiều nhà dân khác cũng bị hư hại nặng, chưa thống kê hết thiệt hại… 

Trưa 12-11, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế đạt đỉnh và bắt đầu rút chậm, song, nhiều khu dân cư vùng thấp trũng tại các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc nước lũ vẫn trắng xóa. 

Cùng ngày, Thừa Thiên - Huế lên kế hoạch sơ tán hơn 37.000 nhân khẩu ở các vùng nguy hiểm, sườn núi, vùng sạt lở, thấp trũng, ven biển, đầm phá… đến nơi an toàn để đối phó với mưa lũ và bão số 13. Trước mắt, huyện Quảng Điền đang tiến hành di dời, sơ tán 6.700 hộ dân ở các vùng thấp trũng, người dân sống ven sông, ven phá. Vận động bà con nhân dân chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn, người dân cũng đã dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác sẵn sàng ứng phó với bão lụt.

-------------------

Núi sạt, biển lở


Chưa có năm nào miền Trung lại đối diện với những tháng mưa bão, thiên tai tàn khốc như năm nay.  

Những tiếng nổ trên núi cao

“Chạy, chạy đi… ôi chạy đi! Chạy…”, tiếng kêu thất thanh của một người dân trong vụ sạt lở núi lúc 15 giờ 11-11 tại địa phận xã Trà Tân (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cứ ám ảnh mọi người. Nhưng cũng nhờ tiếng kêu ấy, 6 người đã được cứu trong vụ sạt lở núi. Chủ nhân của tiếng kêu đó là anh Lê Đình Minh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam). “Hôm đó, tôi nghe có tiếng ào ào từ đỉnh núi nên hét lớn cho mọi người biết rồi chạy. Khả năng, sau vụ sạt còn 1 đến 2 người đang bị vùi lấp”, anh Minh kể lại. Đến chiều 12-11, cũng tại điểm sạt lở này, một lần nữa núi lại đổ ập xuống, lần này may mắn là hàng chục người đang tìm kiếm nạn nhân mất tích đã kịp chạy thoát. 

Tối 10-11, người dân làng Ra Pân (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) nghe thấy trên một ngọn núi cao xuất hiện nhiều tiếng nổ lớn như bom, sau đó là hàng vạn mét khối đất đá ầm ầm đổ xuống vùi lấp cả làng. May mắn, do nhận thấy nguy cơ từ trước nên UBND xã Sơn Long đã vận động 56 hộ dân chuyển nhà ra khỏi chân núi. Các ngọn núi ở bản Cợp, xã Hướng Phùng (nơi xảy ra vụ sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337) và bản Hồ, xã Hướng Sơn (đều ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), những ngày qua liên tiếp xuất hiện nhiều tiếng nổ lớn. Còn ngọn núi ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) xuất hiện nhiều vết nứt rộng hơn 1m, dài khoảng 200m, chính quyền đã sơ tán khẩn cấp 17 hộ dân dưới chân núi. 

Biển “gặm” làng

Trong khi sạt lở núi và lũ quét đe dọa người dân vùng cao, thì ở ven biển dọc dải miền Trung, nhất là từ Nghệ An đến Phú Yên, làng mạc, công trình bị sóng biển cuốn trôi, “gặm” sâu vào đất liền. Ông Nguyễn Văn Huân, Trưởng thôn kiêm Bí thư thôn Trung Thành (xã Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy, Quảng Bình), đưa chúng tôi “thị sát” dọc bờ biển nơi bến cá, bãi tắm, bãi đậu tàu đang bị sóng phá hủy. Theo Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm kilômét bờ biển đã bị xâm thực nặng, có chỗ biển khoét vào hàng chục đến hàng trăm mét.

Tuyến kè dài 5,8km tại Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị) vừa bị sóng lớn tàn phá, biển tiếp tục ăn sâu vào đất liền 20m và “nuốt” 9 ngôi nhà dân cùng nhiều hàng quán ven biển. Bà Phan Thị Gái (65 tuổi, xã Gio Hải) run rẩy: “Mấy chục năm nay chưa từng xảy ra tình trạng sạt lở bờ biển dữ dội như thế này. Biển liên tục ăn sâu vào làng, đe dọa nhiều nhà dân khác”. Cùng cảnh ngộ, bờ biển Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh cũng đang bị tàn phá khủng khiếp. 

Thời điểm các cơn bão số 9, 10, 12 đổ bộ, sóng và triều cường lên cao tàn phá nặng nề khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam), bờ biển các xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Xuân Hải, Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) và biển thị xã Hoài Nhơn (Bình Định). Người dân ở các làng biển Phước Thiện, An Cường, Thanh Thủy (xã Bình Hải) đang lo lắng khi chứng kiến biển đang nuốt làng, nuốt nhà, uy hiếp hơn 700 hộ dân. Ông Nguyễn Thành Nam (làng biển Phước Thiện) than thở: “Biển đã cướp mất khu vườn, bãi đậu thuyền của tôi, giờ ăn sâu vào nhà hơn 8m. Sóng biển phá khiếp quá, tôi chỉ dám về nhà vào ban ngày chứ ban đêm là phải đi ở nhờ nhà hàng xóm”.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện ghi nhận 51 điểm có nguy cơ sạt lở ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng và khu vực đóng quân của Sư đoàn 307 (thuộc thị xã Đức Phổ). Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phát thông báo cảnh báo hàng trăm vị trí nguy cơ trượt lở đất đá, sạt lở bờ sông, bờ biển tại các huyện Phong Điền, A Lưới, Quảng Điền, Phú Vang… Tại huyện miền núi Hướng Hóa, hiện có 5 xã vùng biên: Hướng Sơn, Húc, Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Việt đang đứng trước nguy cơ sạt lở đất rất cao. Trong khi đó, các huyện miền núi Quảng Nam cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi.

Tin cùng chuyên mục