Lựa chọn trường tư

Kể từ năm 2012 học phí ở các trường đại học của Anh sẽ tăng gấp 3 lần, từ 3.300 bảng/năm lên 5.500-9.000 bảng/năm. 2/3 trường đại học công lập đã đề xuất tăng học phí lên mức tối đa 9.000 bảng/năm.

Với mức nợ trung bình sau khi ra trường của sinh viên Anh là 27.000 bảng thì việc tăng học phí lên gấp 3 lần đồng nghĩa với số nợ cũng sẽ tăng lên gấp 3 lần. Song song đó là việc cắt giảm chỉ tiêu sinh viên vào đại học Anh năm 2012 là 36.000 suất.

Lãnh đạo đảng Lao động, ông Ed Miliband cho rằng những điều trên là không công bằng và bất hợp lý. Trong tình hình này, cân nhắc theo học một trường tư hoặc chuyển trường đại học công thành đại học tư được cho là giải pháp khả thi.

Không giống như Đức, quốc gia châu Âu láng giềng với 1/4 số trường đại học là trường tư, Anh chỉ có hai trường đại học chịu sự quản lý của tư nhân là Đại học Buckingham và BPP (thuộc Tập đoàn Apollo Global của Mỹ), còn lại là trường công, hoạt động theo quy chế và định mức tài chính của Chính phủ Anh. Trong “cơn bão giá học phí”, hai trường này được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện truyền thông của Anh vài tuần gần đây.

Đại học Buckingham được thành lập năm 1976 là nơi đào tạo sinh viên hệ 2 năm, cung cấp lượng kiến thức bảo đảm như hệ 3 năm của các trường đại học công lập. Bằng cách rút ngắn thời gian nghỉ hè, nhà trường giúp sinh viên tiết kiệm chi phí ăn ở tại trường. Trong quá trình đó, sinh viên có thể đi làm sau năm thứ nhất để hỗ trợ trang trải học phí. Trong khi đó, Đại học BPP ra đời thập niên 70 chuyên về luật và thương mại hướng đến tiêu chí đào tạo thực hành. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp các trường này được các công ty luật danh tiếng của Anh mời làm việc. Mức học phí trường này chỉ khoảng 4.000 EUR/năm, quả là rất hấp dẫn sinh viên Anh trong thời buổi học phí tăng.

Trong bối cảnh hiện nay, Anh là một trong những “con nợ” lớn ở châu Âu với mức nợ nước ngoài tính đến cuối năm 2010 là 9.120 tỷ USD, gấp 428,8% GDP với tỷ lệ nợ nước ngoài trên đầu người: 149.281 USD/người. Vì thế, Anh đang đứng trước giai đoạn vô cùng khó khăn, chính phủ lên hàng loạt kế hoạch cắt giảm mạnh tay nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần 2, trong đó có cắt giảm trợ cấp học phí đại học. Vì vậy, dù người dân Anh thời gian qua liên tiếp biểu tình phản đối thì kế hoạch tăng học phí vẫn sẽ phải được tiến hành.

Carl Lygo, Giám đốc điều hành Đại học BPP cho biết, đã đến lúc những nhà đầu tư nên mạnh dạn đầu tư vào việc thành lập các trường đại học tư, vì họ có thể tự quyết định hiệu quả chương trình đào tạo ở mức cao nhất, đi kèm với mức học phí linh động, hợp túi tiền của sinh viên. Với mức học phí thấp hơn trường công và chương trình đào tạo hiệu quả, xem ra trường đại học tư sẽ thu hút nhiều sinh viên hơn các trường công.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục Anh cũng không phải không lo lắng về xu hướng tư nhân hóa các trường đại học Anh. Sở dĩ Chính phủ Anh hạn chế trường tư là do lo ngại chất lượng giáo dục bậc đại học xuống cấp. Họ cũng đưa ra bài học về chất lượng giáo dục đại học Mỹ đi xuống trong thời gian gần đây là do có quá nhiều trường tư ra đời.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục