
Từ ngày 1-5, Quy chế MTTQ Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên tại khu dân cư (Quy chế giám sát) được thực hiện thí điểm ở một số xã, phường, thị trấn tại Hà Nội, TPHCM, Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang. Đây là văn bản pháp luật thể hiện quyền giám sát của nhân dân, của MTTQ đối với cán bộ, công chức, đảng viên đang cư trú, làm việc trên địa bàn dân cư và trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Trần Thành Long cho biết:

Quy chế giám sát qua nhiều lần đưa ra lấy ý kiến trong nhân dân đã quy tụ được nhiều đóng góp tâm huyết, thể hiện ý chí và nguyện vọng của người dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền nhân dân vững mạnh.
Quy chế được xây dựng thành 5 chương với 19 điều. Đối tượng giám sát bao gồm: cán bộ, công chức, đảng viên công tác tại phường, xã, khu dân cư, tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức đóng trên địa bàn; cán bộ, công chức, đảng viên cư trú ở phường, xã, khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác và các cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp xã và cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn phường, xã, thị trấn.
Nội dung giám sát tập trung vào việc phát hiện, kiến nghị xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của Đảng, Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai, thu chi các khoản quỹ; thiếu tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, sách nhiễu, gây phiền hà dân khi giải quyết các công việc của dân. Ngoài ra, Quy chế giám sát còn quy định việc giám sát kê khai nhà, đất, tài sản của cán bộ, công chức, đảng viên cư trú ở khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác.
Quy định này bảo đảm tính minh bạch và công khai khi thực hiện chủ trương kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức, đảng viên. Nếu làm tốt quy định này sẽ tránh được tính hình thức trong kê khai tài sản mà từ trước tới nay chúng ta đã thực hiện nhưng rất khó phát hiện và truy tìm nguồn gốc tài sản bất minh của những cán bộ, công chức, đảng viên khi bị thi hành kỷ luật, bị truy tố trước tòa do có liên quan đến tham nhũng.
- Để thực hiện giám sát, liệu sẽ “đẻ” ra thêm bộ máy và con người, trong khi chính quyền các cấp và tổ chức Đảng cũng đã có chức năng giám sát, quản lý cán bộ, công chức, đảng viên rồi?
- Quy chế này do Chính phủ ban hành và giao cho MTTQ và các tổ chức thành viên trong hệ thống MTTQ tổ chức thực hiện. Ngoài ra, vai trò của nhân dân và Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở cũng được xác định là một chủ thể giám sát rất quan trọng để mở rộng và phát huy dân chủ của người dân trong đời sống chính trị-xã hội.
Theo tôi, Quy chế giám sát được ban hành lần này thể hiện tính luật hóa quyền và trách nhiệm giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội, chứ không phải quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn gì cho MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, nên không thể gọi là “đẻ” thêm việc, hoặc “đẻ” thêm người được.
- Theo ông, trong bản quy chế chính thức vừa được ban hành, có nội dung giám sát gì khó thực hiện?
- Theo tôi, khối lượng giám sát theo quy chế này sẽ rất lớn và khó có điều kiện về thời gian thực hiện việc giám sát theo điều 8 (đối với cán bộ, công chức, đảng viên cư trú ở xã, khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác) và điều 9 (đối với cán bộ, công chức, đảng viên công tác tại cơ quan, đơn vị, tổ chức đóng trên địa bàn bàn xã). Do quy chế này được thực hiện thí điểm ở một số phường, xã, thị trấn của TPHCM, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang, nên có thể vận dụng đặc điểm và tình hình của mỗi địa phương mà chọn áp dụng nội dung giám sát cho phù hợp.
Cụ thể, đối với TPHCM trước mắt mắt chọn nội dung giám sát theo điều 7 (đối với cán bộ, công chức, đảng viên công tác tại phường, xã, khu dân cư) và điều 10 (đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp xã và cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn phường, xã, thị trấn). Sau đợt làm thí điểm, chúng ta sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và triển khai đại trà trên cả nước, tôi nghĩ kết quả sẽ tốt hơn.
- Theo ông, Quy chế giám sát có trao quá nhiều “quyền” cho MTTQ và trong quá trình thực hiện có tránh được sự lạm quyền?
- Quyền giám sát mà quy chế đưa ra đã xác lập quyền của người dân thông qua hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên. Cái chính là phải có quy định cụ thể và chặt chẽ để vừa bảo vệ người góp ý đấu tranh, xây dựng, vừa ngăn ngừa việc lợi dụng giám sát để gây rối, làm mất uy tín, hoặc tổn hại đến danh dự của cá nhân và tổ chức được giám sát. Các cấp ủy Đảng cũng phải có trách nhiệm, chủ động lãnh đạo và tạo điều kiện cho MTTQ và các đoàn thể phát huy được dân chủ, thực hiện tốt chủ trương này.
- Xin cảm ơn ông.
PHẠM HOÀI NAM thực hiện