Lúng túng sau cổ phần hóa

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đòi hỏi các chi bộ, đảng bộ thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp công nghiệp Trung ương tại TPHCM (Đảng bộ Khối) phải tự đổi mới, chủ động tìm giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng, tạo động lực để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh... Nói thì dễ nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối đang đứng trước các khó khăn, thử thách không nhỏ.
Lúng túng sau cổ phần hóa

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đòi hỏi các chi bộ, đảng bộ thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp công nghiệp Trung ương tại TPHCM (Đảng bộ Khối) phải tự đổi mới, chủ động tìm giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng, tạo động lực để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh... Nói thì dễ nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối đang đứng trước các khó khăn, thử thách không nhỏ.

Nhiều chi bộ, đảng bộ tại DN đã cổ phần hóa đang lo lắng phải về địa phương sinh hoạt (Trong ảnh: Công nhân Tổng Công ty May Nhà Bè). Ảnh: CAO THĂNG

Thời gian, kinh phí hoạt động khó khăn

Tính đến 31-6-2016, Đảng bộ Khối có 78 cơ sở (49 đảng bộ và 29 chi bộ cơ sở) với 5.328 đảng viên. Hoạt động của các doanh nghiệp (DN) thuộc khối trải dài khắp các tỉnh, thành phía Nam; trong đó, nhiều DN có quy mô trên 10.000 lao động. Trên thực tế, một số tổ chức Đảng, đoàn thể ở các đơn vị còn lúng túng, chưa chủ động đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới cũng như khẳng định được vai trò. Đặc biệt, tại các DN vốn Nhà nước không chi phối hay đã thoái hết vốn, hoạt động các tổ chức Đảng, đoàn thể gặp nhiều khó khăn. Quan hệ giữa cấp ủy với lãnh đạo DN thực tế chỉ là quan hệ phối hợp. Theo ông Lê Văn Quang, Bí thư Đảng ủy Khối, tại các DN cổ phần Nhà nước đã thoái hết vốn, lợi ích của các cổ đông được đặt lên hàng đầu. Hoạt động của tổ chức Đảng và đoàn thể thực chất phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu quản lý DN và vào lợi nhuận của DN. Vì vậy, tổ chức Đảng, đoàn thể gặp nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động.

Ông Ngô Đức Hòa, Bí thư Chi bộ Công ty cổ phần May Thắng Lợi, kể lại một câu chuyện cười “ra nước mắt” trong ngày đầu tiên họp sau cổ phần hóa để ban tổng giám đốc ra mắt tập thể. Khi phó bí thư chi bộ cũng là chánh văn phòng của công ty vừa đứng lên giới thiệu “kính thưa các đồng chí…” thì tổng giám đốc mới ngắt lời ngay: “Đề nghị anh ngồi xuống, ở đây không phải ai cũng là đồng chí!”. “Buồn lắm, mới cổ phần hóa có mấy ngày thì tin buồn đầu tiên đã đến với tổ chức đảng như vậy đó”, ông Hòa tâm sự.

Tuy nhiên, sau 8 tháng, vị tổng giám đốc mới này làm đơn xin nghỉ việc. Ông Hòa cho biết: “Về sau này, chúng tôi đã nỗ lực chứng minh vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong việc tham gia hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, đoàn viên nên hoạt động của đảng bộ công ty vẫn thuận lợi”.

Một Bí thư đảng bộ DN khác thì chia sẻ: “Hoạt động Đảng, đoàn thể của chúng tôi gặp nhiều khó khăn do không được chủ DN tạo điều kiện, ủng hộ. Tổ chức Đảng không lãnh đạo, chỉ đạo và tất nhiên không được tham gia góp ý các chiến lược, kế hoạch phát triển hay công tác điều hành sản xuất kinh doanh của DN. Ngay cả cán bộ Đảng, đảng viên cũng do DN điều chuyển, thay đổi vị trí công tác chuyên môn, ảnh hưởng đến sự ổn định, hoạt động công tác Đảng”.

Lo lắng về địa phương sinh hoạt Đảng

 

* Bí thư Đảng ủy Khối LÊ VĂN QUANG: Theo kế hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 300 DN nhà nước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn tổ chức Đảng sẽ phải thay đổi mô hình hoạt động, phương thức lãnh đạo để thích ứng với nhiệm vụ mới, trong khi chúng ta chưa thực sự có mô hình hoạt động, phương thức lãnh đạo có hiệu quả cho loại hình DN này. Đã đến lúc cần đánh giá thực chất lại công tác xây dựng Đảng trong DN đã cổ phần hóa. Bởi mô hình hoạt động của tổ chức Đảng này rất mới mẻ, chưa được hoàn thiện nhưng lại là mô hình chủ đạo trong tương lai gần, khi mà Chính phủ xác định chỉ giữ lại rất ít các DN nhà nước quan trọng

 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư Thành Công, cho biết DN đã cổ phần hóa vào năm 2006, hiện do một tập đoàn của Hàn Quốc nắm giữ toàn bộ ban điều hành và hội đồng quản trị. Đảng ủy hiện không có ai nằm trong hội đồng quản trị hay ban giám đốc nữa, việc đó gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của Đảng bộ. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vấn đề Đảng ủy tâm tư nhiều nhất hiện nay là sẽ sắp xếp lại tổ chức Đảng, theo quy định sẽ đưa về quận, huyện sinh hoạt Đảng. “Đảng ủy Khối đã thông báo, chúng tôi đang chuẩn bị nhưng việc này tác động lớn đến tâm tư, suy nghĩ của toàn bộ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ. Chúng tôi có nhiều nhà máy rải khắp các địa phương. Nếu từng chi bộ, tổ chức đảng chuyển về các địa phương sinh hoạt thì chúng tôi rất khó hoạt động, khó chỉ đạo, điều hành cho thống nhất mục tiêu vì về địa phương thì phân tán hết”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, ở khối DN công nghiệp Trung ương tại TPHCM, DN trên 1.000 lao động nhiều, thậm chí trên 10.000 lao động cũng có. Các đảng bộ DN lớn nên được tổ chức sinh hoạt chung với nhau - dù còn hay không còn vốn Nhà nước chi phối - để có cộng hưởng, hợp tác, giúp đỡ, trao đổi học hỏi lẫn nhau. Nếu đưa về địa phương thì hoàn toàn phân tán, ngay trong nội bộ một tổng công ty lớn nhưng hoạt động Đảng cũng sẽ phân tán theo từng chi bộ, đảng bộ sinh hoạt tại các địa phương khác nhau. Còn ông Võ Quang Lương, Bí thư Chi bộ Công ty cổ phần Nhựa Vân Đồn, thì nói thẳng: “Rất buồn là suốt ngày cứ phải lo bị “đuổi” về địa phương sinh hoạt. Nếu về địa phương, tôi lo tổ chức Đảng của đơn vị sẽ ngày càng yếu hơn mà thôi!”.

Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động Đảng của các đơn vị thuộc Đảng bộ Khối, ông Lê Văn Quang, Bí thư Đảng ủy Khối, nhìn nhận vẫn còn cấp ủy, chi bộ sinh hoạt định kỳ chưa đúng quy định của Điều lệ Đảng. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức, nhân sự cấp ủy ở một số đơn vị còn chậm; công tác quản lý hồ sơ đảng viên chưa chặt chẽ, vẫn còn 41 đơn vị chưa kết nạp đảng viên mới trong 6 tháng đầu năm 2016…

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục