Luyện thi ở… làng

Luyện thi ở… làng

Đối lập với cảnh chật chội, chen chúc, mỗi lớp luyện thi có từ 50-100 thí sinh tại những trung tâm luyện thi ở các thành phố lớn, những lò luyện thi tại làng Hương Chữ, làng Hương Toàn (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) chỉ có từ 15 - 20 học sinh nhưng chất lượng và thành tích rất tốt.

Những người thầy không giảng đường

Thầy Hoàng Ngọc Danh (SN 1972, xóm Gẹo, Hương Chữ, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) có thâm niên luyện thi 17 năm tâm sự: “Tôi bắt đầu gõ đầu trẻ từ hồi học lớp 12. Hồi đó chỉ nhận mấy đứa em, cháu trong gia đình dạy kèm thôi. Không ngờ mấy đứa tiến bộ hẳn nên tôi quyết định năm sau sẽ dạy thêm cho mấy cháu nữa. Dù không học hết trường đại học nhưng nhưng việc “gõ đầu trẻ” thì tôi không bao giờ sao nhãng”, thầy Danh tâm sự.

Thầy Hoàng Ngọc Danh đang luyện thi cấp tốc cho các em học sinh thi đại học tại nhà của mình

Thầy Hoàng Ngọc Danh đang luyện thi cấp tốc cho các em học sinh thi đại học tại nhà của mình

Thi đậu vào Trường Bách khoa Đà Nẵng, vì nhà nghèo nên Danh đành bỏ học. Năm sau thi tiếp vào Khoa Toán Đại học Sư phạm Huế nhưng lần này phải nghỉ học vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, những khó khăn không ngăn được quyết tâm được ngồi giảng đường đại học của Danh. Cuối cùng, anh đã đậu vào Trường Đại học Kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp, Danh mở lớp luyện thi tại nhà. Với mức học phí chỉ từ 20.000-30.000đ/môn học, hầu hết học sinh nghèo của lớp thầy Danh đều rất ngoan và học giỏi.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ học sinh trường làng mới tham gia học lớp của thầy Danh mà rất nhiều học sinh ở TP Huế cũng tìm đến. Thậm chí, có em phải đạp xe đạp hơn 10km để đến nhà thầy học. Em Nguyễn Thị Xuân Huyền - học sinh lớp 12 Trường Đặng Huy Trứ, nhà ở Cửu Hữu, cho biết: “Tuy đi xa một chút nhưng thầy giảng bài rất kỹ, trong lớp ít học viên nên thầy với trò rất gần gũi, cái gì không hiểu là có cơ hội hỏi thầy ngay”.

Khác với lò luyện của thầy Danh, lò luyện thi có cái tên nghe rất lạ CYK - nằm sát đường quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Hương Toàn - tập trung đông thí sinh hơn. Thầy giáo chính của lớp là anh Trần Công Chính - sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Y Dược Huế. Với tuổi đời 26 nhưng Chính đã có 10 năm đứng lớp luyện thi đại học. Với năng khiếu trời cho, phương pháp dạy của Chính khác hoàn toàn với các thầy dạy Toán khác.

“Quan trọng nhất của việc thi đại học là tâm lý thoải mái, học hết các kiến thức cơ bản, thường xuyên giải các bài toán mẫu, không khí học tập vui tươi sẽ giúp các học sinh nhớ kiến thức lâu hơn”, Chính bộc bạch bí quyết dạy của mình.

“Nở hoa” vào những mùa thi

Ông Lê Đình Lanh, Phó Chủ tịch xã Hương Chữ, cho biết: “Mỗi năm, Hương Chữ có hơn 100 học sinh thi đậu vào đại học, cao đẳng, chưa kể đến những giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt, học sinh Hương Chữ luôn có các giải thưởng giải Toán trên máy tính ở tỉnh. Vừa rồi (năm học 2008-2009) có 3 học sinh đoạt giải 3 giải Toán qua máy tính toàn tỉnh, đang dự thi quốc gia. Sự thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các thầy giáo tại địa phương như thầy Hà Cảnh Lượm (52 tuổi, thôn La Chữ)”.

Thầy giáo Hà Cảnh Lượm tuy không còn trẻ nhưng luôn cập nhật kiến thức mới mỗi ngày. Ngoài những kiến thức cơ bản sách giáo khoa, thầy luôn tìm những bài toán khó ở các kỳ thi quốc gia, quốc tế rồi đem về nhà cùng giải với học trò. “Tui dạy học không quy định giờ giấc, có những bài toán khó thầy trò cùng nhau giải cả 3-4 giờ đến khi nào có đáp án mới thôi”, thầy Lượm chia sẻ.

Tấm lòng nhiệt huyết của những người thầy đã làm cho mỗi kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, mỗi kỳ thi đại học trở thành ngày vui của người dân quê chân lấm tay bùn nơi đây.

 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Lượm đã luyện thi cho hàng trăm học sinh nơi đất nghèo này vào các trường chuyên của tỉnh như Quốc Học, Đại học Khoa học…

Những lớp học trò qua đi đã đem về cho người thầy rất nhiều niềm vui. “Năm học 2007-2008 có 2 học sinh giỏi cấp quốc gia. Năm 2008-2009 có 3 học sinh lớp 9 Trường Hương Chữ dự thi giải Toán trên máy tính cấp tỉnh đã đem về 6 giải, trong đó em Trần Thị Thùy Dương đoạt giải 3, đang chuẩn bị đi thi quốc gia. Hay như em Phan Văn Dương, Á khoa Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm học 2008-2009, từng là học sinh giỏi cấp quốc gia môn Toán…”.

Lớp của thầy Chính trung bình có khoảng 50%-70% học sinh thi đỗ vào trường đại học. Mỗi em có giấy báo trúng tuyển, thầy lại thưởng cho 200.000đ tiền động viên. “Số tiền thưởng đó chỉ là động viên tinh thần cho các em thôi, quan trọng hơn là các em đã làm được điều mà tôi mong muốn. Sinh ra ở cái đất nghèo khó này, học là phương tiện tốt nhất cho các em vào đời”, thầy Chính tâm sự.

Dương Thùy Uyên (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục