Mái ấm tình người

Gieo hạt lành
Mái ấm tình người

Ra đời vào năm 1992, trải qua suốt 19 năm miệt mài với nhiệm vụ “mở lối vào đời” cho trẻ lang thang cơ nhỡ, đến nay “Mái ấm Ga Sài Gòn” đã trở thành điểm tựa vững chắc để những mầm non rũ bỏ quá khứ kém may mắn, tự tin bước vào tương lai…

Em Nguyễn Huỳnh Thị Nhã Lan (trái), thành viên “Mái ấm Ga Sài Gòn” với bộ huy chương môn điền kinh. Ảnh: Kỳ Vọng

Em Nguyễn Huỳnh Thị Nhã Lan (trái), thành viên “Mái ấm Ga Sài Gòn” với bộ huy chương môn điền kinh. Ảnh: Kỳ Vọng

Gieo hạt lành

“Mái ấm Ga Sài Gòn” là căn nhà 1 trệt, 1 lầu rộng hơn 80m², bên bờ kênh Nhiêu Lộc, gần chân cầu Lê Văn Sỹ, phường 9, quận 3, TPHCM. Hướng dẫn chúng tôi tham quan cơ sở, cô Trần Thị Tâm (còn gọi là má Tâm) chủ nhiệm mái ấm, cho biết từ ngày thành lập đến trước năm 2005 cơ sở nhận nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ cả nam và nữ. Bắt đầu từ năm 2005, do số lượng các em tăng lên và cũng nhằm tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn, UBND quận 3 đã ra quyết định tách các em nam về khu chăm sóc riêng có tên “Mái ấm Ánh Sáng” còn các em nữ vẫn ở lại “Mái ấm Ga Sài Gòn”. Bước vào căn phòng rộng hơn 10m² dành làm nơi học tập của các em ở tầng trệt, không gian tuy nhỏ nhưng rất ngăn nắp, trật tự. Từng dãy kệ sách, tủ đựng dụng cụ học tập, đồ chơi và các tranh ảnh, bằng khen … được kê dựng ngay ngắn, bài trí rất trang nhã.

Đến ngồi bên chiếc bàn lớn giữa phòng, ôn lại hành trình suốt gần 20 năm chăm lo, tìm kiếm tương lai cho những mầm non bất hạnh, má Tâm không khỏi bùi ngùi. Đầu những năm 1990, khu vực xung quanh ga xe lửa Sài Gòn xuất hiện nhiều em thiếu niên “đi bụi” mà đa số có nguồn gốc từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung “nhảy tàu” vào Nam. Ban ngày các em lang thang kiếm ăn bằng đủ nghề, đêm xuống chọn xó xỉnh trong sân ga, vỉa hè làm chỗ ngả lưng trông rất thảm. Một số em mưu sinh lương thiện như bán vé số, bán báo, đánh giày, quét dọn toa tàu, lượm ve chai… trong khi một số khác lại tụ tập thành từng nhóm với biểu hiện phạm pháp như trộm cắp, trấn lột, đánh nhau; thậm chí còn tổ chức lôi kéo các em khác vào nhập băng. Và đã không ít lần các em này gây ra các vụ gây rối trật tự.

Trước tình hình đó, qua nhiều chuyến công tác tìm hiểu thực tế, được sự chấp thuận của lãnh đạo thành phố, quận; Ủy ban Dân số gia đình quận 3 cùng với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên đã thống nhất triển khai đề án xây dựng cơ sở nuôi dạy trẻ em lang thang cơ nhỡ trong khu vực ga Sài Gòn cùng các trẻ em không nơi nương tựa khác. Năm 1992, địa điểm nhân đạo này chính thức thành lập với tên gọi “Câu lạc bộ Trẻ em Ga Sài Gòn” trên diện tích hơn 60m² ngay cạnh bờ tường ga. Năm 1998, do quy hoạch giải tỏa phóng lộ giới, “Câu lạc bộ Trẻ em Ga Sài Gòn” di dời về tại địa chỉ hiện nay và đổi tên thành “Mái ấm Ga Sài Gòn” chịu sự đỡ đầu và quản lý của Phòng Lao động Thương binh - Xã hội quận 3, Hội Phụ nữ từ thiện thành phố.

Hái quả ngọt

Những năm đầu tiên đi vào hoạt động, căn nhà ấm áp này quy tụ chưa đầy chục em cơ nhỡ, điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần cũng rất đơn giản, nhưng các em đã được sưởi ấm bởi sự cảm thông, chia sẻ và tình cảm yêu thương của các má, các anh chị đoàn viên thanh niên. Hàng đêm, sau thời gian lăn lộn mưu sinh vất vả ban ngày, ngoài việc được bố trí chỗ ăn ngủ tươm tất, các em còn được tham gia các lớp phổ cập văn hóa, xóa mù chữ, các lớp học nghề, học năng khiếu…

Vào dịp hè, kỳ lễ, tết, các em được đi tham quan, dã ngoại, tham gia các sinh hoạt cộng đồng đúng theo khả năng và lứa tuổi. Không phụ lòng sự quan tâm dìu dắt của các má, các nhà hảo tâm và cộng đồng dành cho mình, hầu hết các em đều tiến bộ và trưởng thành. Điển hình như trường hợp em Nguyễn Văn Hạnh quê ở Bắc Giang, suốt 14 năm được sự chăm lo, giáo dục tận tình của các má, Hạnh không những tốt nghiệp xong phổ thông mà em còn thi đậu hệ trung học ngành điện Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Sau khi tốt nghiệp, Hạnh đã có việc làm ổn định. Nhờ sự giúp đỡ của ban chủ nhiệm mái ấm, chàng trai trẻ cũng đã liên lạc được với gia đình.

Hiện tại, “Mái ấm Ga Sài Gòn” đang cưu mang 21 bé gái, trong đó 11 em đang theo học tại Trường Tiểu học Lương Định Của và 10 em học tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3). Ngoài sự chăm ngoan, tiến bộ trong lối sống các em còn mang đến cho các má niềm vui, sự tự hào về thành tích học tập không thua kém các bạn đồng trang lứa đang ngày ngày được chăm sóc trong vòng tay thương yêu của cha mẹ.

Nổi bật như em Nguyễn Huỳnh Thị Nhã Lan (12 tuổi) học sinh lớp 6 với thành tích đoạt 8 huy chương các loại của bộ môn điền kinh tại các lần “Hội khỏe Phù Đổng”; em Nguyễn Thị Thùy Ngân (13 tuổi) học sinh lớp 8 với danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền, đặc biệt em còn là học sinh giỏi văn vinh dự được nhà trường đề cử tham dự cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt”.

Nói về những đứa con thương yêu của mình, cô Đặng Thị Quốc Hương, người má – người thầy dạy chữ gắn bó với các em hơn chục năm qua, bày tỏ: “Mong muốn thiết tha của chúng tôi không gì khác hơn là nhìn thấy các cháu lớn lên, trưởng thành và tìm về với gia đình thông qua con đường giáo dưỡng, chăm sóc, định hướng nghề nghiệp tương lai”.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục