Mai Châu đối mặt với giáp hạt

Ăn cả thóc giống
Mai Châu đối mặt với giáp hạt

Nhắc đến Mai Châu (Hòa Bình), thường nghĩ rằng đó là khu du lịch đầy chất thơ, chất nhạc, mang vẻ đẹp hoang sơ và bí ẩn của miền sơn dã, với hình ảnh “mùa em thơm nếp xôi” nổi tiếng. Nhưng ít có ai biết rằng, cứ mỗi năm đến mùa giáp hạt là hàng ngàn người dân ở Mai Châu lại phải đối mặt với cái đói.

Ăn cả thóc giống

Tính cho đến thời điểm này, người dân Mai Châu đã chịu đói được khoảng 3 tháng trời. Cái đói thường bắt đầu từ độ tháng 2 Dương lịch. Cứ xong tết là lại bắt đầu lo đói. Nhưng năm nay, cái đói ác liệt hơn nhiều năm trước. Bởi hồi đầu năm rét đậm kéo dài, trâu, bò lăn ra cả loạt. Trong khi từ nay đến mùa gặt hãy còn ít nhất 3-4 tuần nữa.

Mai Châu đối mặt với giáp hạt ảnh 1

Một nhà dân phải tích trữ sắn khô trên giàn bếp để ăn độn dần với cơm.

Bởi thế, đã đói lại càng đói hơn. Hàng ngàn người dân đều đang trông chờ vào vụ lúa chín sắp tới nhưng còn lâu lắm. Cứ mỗi khi nghe tin có bão, có dông, tố, lốc là bà con lại đau thắt ruột, lo mùa màng có thể xảy ra thất bát…

Từ thị trấn Mai Châu, theo triền núi xuống 2 xã vùng lòng hồ sông Đà là Tân Mai và Phúc Sạn. Hai bên đường, những ngôi nhà tranh nằm tiêu điều, xơ xác. Thi thoảng mới gặp một phản thịt lợn. Chủ hàng ngồi phía sau, gương mặt nhơ nhác, cầm tàu lá chuối đuổi ruồi, bảo mổ một con lợn ra mà đến cả 2-3 ngày không bán hết vì dân không có tiền mua.

Đến xóm Khoang Bưu. Ông Đinh Văn Thẩm, 58 tuổi, một người dân trong xóm, không khỏi ái ngại cho hay: “Đầu vụ, 4 cái bồ thóc còn xếp lù lù một góc nhà. Bây giờ thì bồ trống rỗng, tôi úp ngược nó lên xà nhà từ cách đây 2-3 tháng rồi”.

Nhà anh Bùi Văn Thắng, ngoài 40 tuổi, ở bên cạnh cũng rơi vào cảnh tương tự. Anh Thắng bảo: “Gia đình tôi phải ăn đong từ 3-4 tháng nay rồi. Mỗi lần chỉ đong được một dúm gạo. Để đủ ăn thì phải độn thêm sắn, khoai vào”. Theo anh, đến thời điểm này, nhà nào trong xóm cũng phải ăn độn. Nhiều gia đình bí bách quá còn trót ăn cả thóc giống. Sau đó không còn thóc để gieo mạ, vụ này chắc sẽ bỏ ruộng trống không.

Trên đường từ xã Phúc Sạn ra xóm Bãi Sang nằm sát mép hồ sông Đà, chúng tôi tạt vào nhà mấy người dân. Đã 12g trưa mà trong căn nhà của chị Hoàng Thị Nhại vẫn không có một đốm lửa. Hỏi tại sao, chị ái ngại: “Gạo hết rồi còn đâu mà thổi cơm. Cả ngày cả nhà chỉ ăn một bữa tối thôi. Sáng thì luộc ít khoai lang rồi lên rừng, cố nhịn đến chiều”. Đoạn chị ngậm ngùi, cúi gằm mặt xuống: “Chỉ thương cho mấy đứa trẻ. Tụi nó đói lắm mà không làm sao giúp tụi nó được”. 

Ông Bùi Văn Dũng, một người bán quầy tạp hóa ở xóm Gò Lào, rầu rĩ kể: “Cứ nhìn cái quầy tạp hóa của tôi thì biết. Năm trước còn bán được dăm ba thứ. Năm nay cả tuần, cả tháng cũng chẳng có một khách mua. Bởi chẳng còn ai có tiền. Gói thuốc lào cũng xin mua chịu. Sổ nợ thì chi chít tên”.

Tân Mai là một xã nghèo, nằm chơ vơ như ốc đảo giữa lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trong đó lại được chia ra thành 4 “tiểu đảo” (mỗi tiểu đảo là một thôn). Do địa hình quá “độc” nên cứ 10 ngày mới có một phiên chợ.

Cứ đến phiên chợ là người dân lại gác mọi việc, náo nức rủ nhau đi mua sắm. Nhưng bây giờ, người ta cũng chẳng còn dám đi chợ nữa. Đến phiên, trong chợ chỉ lơ thơ vài túp lều và rác rưởi. Những thương lái từ dưới xuôi dong thuyền lên tạt vào, chẳng bán được gì lại đành lên thuyền đi mất.

Huyện cũng “đói” tiền cứu đói

Ở 2 xã Tân Mai, Phúc Sạn những năm trước khi đến thời kỳ đói giáp hạt, hàng ngàn người dân thường bấu vào một loại cây để “sống dặt dẹo” qua cơn đói, đó là cây luồng. Họ lên núi chặt luồng về. Nếu bán cả cây cho thương lái ở dưới xuôi lên thì được 13.000đ/cây. Nhưng nếu cưa ra thành đoạn, chẻ tăm thì tính ra mỗi cây lại được khoảng 40.000đ. Tăm cũng được bán cho các thương lái hoặc đem đổi lấy ngô, sắn, gạo. Mang tiếng là người miền núi mà phải mua, đổi sắn gạo từ ở dưới xuôi mang lên. Thế nhưng, năm nay thì chẳng còn mấy nhà còn luồng nữa. Bởi trận bão lốc vừa qua đã vùi lấp hàng trăm héc ta luồng xuống lòng hồ sông Đà.

Bà Hà Thị Thản, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Mai Châu lo lắng cho biết, đến thời điểm này, cả huyện Mai Châu đã có 2.300 hộ với gần 10.000 nhân khẩu rơi vào cảnh đói giáp hạt ở mức khẩn cấp.

Trong số 22 xã và thị trấn, nơi tập trung nhiều hộ đói nhất là ở các xã như Tân Mai, Phúc Sạn, Pù Bin, Noong Luông, Hang Kia - Pà Cò, Cun Pheo, Piềng Vế, Bao La. Trong đó, Pù Bin là xã nằm ở ngọn núi cao nhất huyện, quanh năm mây mù, đất đai chật hẹp.

Mỗi khi cái đói ập về, người dân chẳng còn biết làm gì khác ngoài tràn vào rừng để đào măng, săn bẫy thú. Còn ở 2 xã Hang Kia-Pà Cò thời gian gần đây lại đang tái diễn nạn trồng cây anh túc trên diện rộng. Bởi trồng loại cây quốc cấm này sẽ được những đối tượng buôn ma túy trả giá cao, có thể mua được nhiều thóc gạo.

Điều đáng lo ngại là đến thời điểm này, chính quyền huyện Mai Châu đã “dốc” gần như toàn bộ số tiền cứu trợ để cứu bà con vượt qua cái đói giáp hạt, dẫn đến cạn sạch nguồn kinh phí dự trữ. Trong khi đó, hiện số hộ bị đói vẫn đang tăng lên từng ngày. Mới đây, huyện phải làm công văn gửi về tỉnh để xin hỗ trợ khẩn cấp.

Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Hòa Bình, không chỉ riêng huyện Mai Châu mà nạn đói giáp hạt đang xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp (do sự gia tăng dân số, do quy hoạch các khu du lịch và khu công nghiệp) và dường như càng ngày người nông dân càng phải đối mặt với quá nhiều rủi ro như lở đất, sâu bệnh phá hoại mùa màng…

Đặc biệt, giờ đây họ đang phải đối mặt với một thực tế vô cùng nan giải, đó là hàng trăm thứ hàng tăng giá như phân đạm, thuốc trừ sâu, xăng dầu, điện nước...

Văn Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục