Mái đình bên bờ biển Đông

Dọc dải biển Quảng Bình, mỗi làng đều có một ngọn núi tựa lưng, một khúc sông để neo thuyền và một mái đình gửi gắm niềm tin. Đình làng không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là điểm tựa ký ức, nơi cộng đồng hướng về quá khứ và kết nối các thế hệ.

Mái đình bên bờ biển Đông

Ký ức cộng đồng qua mái đình làng biển

Không chỉ thờ thần, đình làng còn là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần của cộng đồng làng biển. Tại các làng như Lý Hòa, Cảnh Dương hay Nhân Trạch, mái đình là nơi kết nối với tổ tiên, với làng xóm và với chính bản thân mỗi người dân. Trong chiến tranh, đình từng là nơi tập hợp thanh niên ra trận, in ấn tài liệu bí mật. Sau chiến tranh, dù nhiều đình bị phá hủy, ký ức về mái đình vẫn còn nguyên, thôi thúc người dân phục dựng từ những viên ngói cũ, thanh gỗ xưa.

1000024916.jpg
Đình Tổ xã Cảnh Dương

Ông Nguyễn Văn Thịnh, cao niên làng Lý Hòa (xã Hải Phú, Bố Trạch), nhớ lại: “Những ngày cuối năm 1991, khi dân làng họp lại, chia nhau từng phần việc để dựng lại đình sau gần 20 năm bỏ hoang: “Không ai bắt, cũng chẳng ai kêu gọi gì nhiều. Người đi biển về góp tiền. Người ở nhà thì mang gỗ. Có cụ 80 tuổi vẫn ra dọn cỏ quanh sân đình”.

Đến năm 2015, đình Lý Hòa được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Nhưng với người làng, tấm bằng xếp hạng không quan trọng bằng việc mỗi dịp tết đến, cả làng vẫn quây quần dưới mái ngói âm dương, nghe chuông đình, thắp nhang cho người đi biển.

1000024917.jpg
Cổng vào đình làng Lý Hòa

Ở Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), nơi từng có đến năm ngôi đình được xây theo nguyên tắc phong thủy “tiền thủy hậu sơn”, nhiều kiến trúc đã không còn sau các đợt ném bom. Nhưng lễ rước lửa, lễ cầu ngư vẫn được tổ chức đều đặn mỗi năm. “Dù chỉ còn một đình Tổ ghép lại từ nhiều đình cũ, người làng vẫn xem đó là linh hồn chung của cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Dũng, người trông coi đình nói.

Trong gian thờ vẫn còn quả chuông đúc từ thời Cảnh Thịnh (1801), vẫn còn hai tấm bia đá ghi tên những người đỗ đạt. Đó là những di vật, nhưng cũng là di sản vì chúng không chỉ ghi nhớ một thời mà còn khơi dậy ý thức giữ lấy cái nếp làng biển hơn 350 năm.

Điểm tựa tâm linh giữa đời sống hiện đại

Nhiều đình làng ở Quảng Bình được phục dựng không bằng ngân sách nhà nước mà nhờ chính sự đóng góp của cộng đồng, kể cả người xa quê. Như ở Nhân Trạch (Bố Trạch), đình làng được dựng từ năm 2009, đến nay đã trở thành trung tâm sinh hoạt không thể thiếu đối với người dân nơi đây.

Theo ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã, chỉ riêng năm 2021, người dân đã góp gần 800 triệu đồng để tu sửa mái đình, lát lại sân gạch, dựng thêm nhà bia thờ tổ.

Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch chia sẻ: “Đình không chỉ để tế lễ, mà còn để người dân thấy mình thuộc về một cộng đồng”.

1000024480.jpg
Đình làng biển Đức Trạch

Sự trở lại của thế hệ trẻ trong các lễ hội như đua thuyền, lễ rước lửa, cầu yên... cho thấy mái đình đang dần hồi sinh trong đời sống hiện đại. Khi đô thị hóa kéo giãn khoảng cách làng quê, đình làng trở thành nơi neo giữ ký ức, nơi con người tìm thấy mình trong tiếng chuông trầm mặc và làn khói nhang bảng lảng.

1000024915.jpg
Hội hè đình làng Nhân Trạch

Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Bình, toàn tỉnh hiện còn khoảng 80 đình làng, trong đó có 25 đình ở vùng biển. Tuy nhiên, chỉ 6 đình được xếp hạng di tích, còn hơn 70% đình đang xuống cấp, phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa.

Nhà nghiên cứu Tạ Đình Hà nhận xét: “Điều đáng quý là dân không bỏ đình. Mỗi năm họp làng, người ta vẫn nhắc chuyện tu bổ đình như nhắc đến mùa cá hay vụ lúa. Đình làng không chỉ là quá khứ, mà còn là một phần tương lai do người dân tự gìn giữ”.

Di sản sống bên chân sóng

Khi một đứa trẻ cúi đầu trước bàn thờ tổ trong ngày giỗ làng, khi một người đàn ông ngoài 70 vẫn lặng lẽ thắp nén nhang sáng sớm, mái đình làng biển với tường vôi, ngói cũ lại hiện diện như phần hồn cốt của quê hương đang tiếp tục sống cùng thời gian.

1000024914.jpg
Đình làng biển Nhân Trạch vào hội đầu năm

Giữa nhịp sống hiện đại đang cuốn đi những gì xưa cũ, mái đình làng biển vẫn đứng đó lặng lẽ nhưng vững vàng. Nó không chỉ là một biểu tượng văn hóa, mà là nơi cộng đồng tự soi lại mình. Khi con người rời làng, có thể mất ruộng, mất nghề, nhưng ký ức thì vẫn còn đó. Và trong khi nhiều thứ có thể được thay thế bằng công nghệ, thì một nén nhang cúi đầu, một hồi chuông vọng ra biển, một sân đình đầy dấu chân người già là những thứ không thể nhân bản bằng bất kỳ công cụ nào.

Đình làng biển vì thế, không chỉ là một di tích mà là cái hồn cốt di sản làng với bao thế hệ. Trong gió biển thổi qua những kèo gỗ cũ, trong tiếng chuông vang lên mỗi mùa lễ hội, có điều gì đó rất lặng nhưng bền bỉ vẫn đang tiếp tục nối dài sợi dây tình cảm bên chân sóng.

Tin cùng chuyên mục