Mang nụ cười đến những miền xa

Mấy năm nay, vào chủ nhật hàng tuần, Bùi Hoàng Huy từ chối tất cả những lời mời để có mặt tại Đường sách TPHCM, tham gia hoạt động Khu vườn ước mơ. Chính từ hoạt động này, rất nhiều niềm vui, nụ cười đã đến với những em nhỏ vùng sâu, vùng xa.
Bùi Hoàng Huy hướng dẫn trồng cây cho một em nhỏ tại chương trình “Khu vườn ước mơ”
Bùi Hoàng Huy hướng dẫn trồng cây cho một em nhỏ tại chương trình “Khu vườn ước mơ”

Từ những chậu xương rồng bé nhỏ

Khu vườn ước mơ là một trong những hoạt động thuộc dự án Share to Smile do Bùi Hoàng Huy (28 tuổi) thành lập vào năm 2018. Ý niệm ban đầu của Huy chỉ là “chia sẻ niềm vui” giữa các bạn trẻ với nhau. Huy kể, tốt nghiệp ngành Hóa học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) năm 2017, từ lúc còn đi học, Huy có một thú vui là trồng cây, đa phần là xương rồng và sen đá. Trong phòng ở rồi ban công, chỗ nào Huy cũng tận dụng để đặt cây. “Thời điểm đó, tôi thấy có nhiều bạn trẻ chia sẻ những thông tin tiêu cực, làm ảnh hưởng đến tinh thần những người xung quanh. Thấy mình đang có rất nhiều cây, tôi chợt nảy ra câu hỏi: Sao mình không chia sẻ đến mọi người? Mình vừa có niềm vui khi được chia sẻ, mà người nhận chắc cũng sẽ vui”.

Nghĩ là làm, cuối năm 2018, Huy lên các hội, nhóm của khoa, trường và ký túc xá thông báo ý tưởng chia sẻ cây. Không muốn mọi người lấy một cách đại trà rồi về không chăm sóc, Huy đưa ra chỉ tiêu mỗi người chỉ nhận một cây. Lần đó, có 20 người, chủ yếu là sinh viên trong làng đại học đến gặp Huy để nhận cây. Sau chương trình, nhận thấy nhu cầu của mọi người còn nhiều, Bùi Hoàng Huy đã quyết định tổ chức theo định kỳ mỗi tháng một lần. Từ năm 2018-2020, có khoảng 5.000 chậu xương rồng và sen đá của Huy được mọi người mang về trồng.

Bùi Hoàng Huy hướng dẫn trồng cây cho một em nhỏ tại chương trình Khu vườn ước mơ

Bùi Hoàng Huy hướng dẫn trồng cây cho một em nhỏ tại chương trình Khu vườn ước mơ

Số cây trong khu vườn của Bùi Hoàng Huy không vơi đi, bởi ngoài tự trồng, tự nhân giống, anh còn được một số người cho, như một cách ủng hộ vào mục tiêu “lan tỏa văn hóa chia sẻ” mà anh đặt ra cho mình từ những ngày đầu. “Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây thì sự chia sẻ chỉ quanh quẩn trong cộng đồng nhỏ và cũng chỉ là xương rồng và sen đá. Thời điểm đó, tôi có tham gia hỗ trợ chương trình Ước mơ của Thúy, biết nhiều em nhỏ còn khó khăn, không có dụng cụ học tập. Thế là tôi thay đổi cách thức tổ chức, thay vì chỉ chia sẻ cây, tôi kêu gọi các bạn quyên góp sách, dụng cụ học tập… cho chương trình Gửi em nụ cười mà mình vừa thành lập”, Bùi Hoàng Huy chia sẻ.

Đến những nụ cười trẻ thơ

Không chỉ đam mê các hoạt động thiện nguyện, Bùi Hoàng Huy còn có “máu” kinh doanh. Từ năm thứ 3, Huy thử sức kinh doanh sổ tay do anh tự làm rồi bán cho sinh viên trong làng đại học. Công việc này giúp anh vừa trang trải cuộc sống, vừa có thêm kinh phí để thực hiện các hoạt động thiện nguyện.

Cuối tháng 12-2019, từ sự đóng góp của người thân, bạn bè qua hoạt động chia sẻ cây, sự đồng hành của một số đơn vị xuất bản, cộng thêm kinh phí do cá nhân tự bỏ ra, Bùi Hoàng Huy bắt đầu thực hiện chuỗi chương trình Gửi em nụ cười. Trường Tiểu học Lam Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) trở thành điểm đến đầu tiên của chương trình. Tại đây, Huy và cộng sự đã cùng nhau xây dựng tủ sách, tặng dụng cụ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn và trồng vườn hoa đậu biếc tại trường.

Sang năm 2020, được sự ủng hộ của Ban Quản lý Đường sách TPHCM, Bùi Hoàng Huy tổ chức hoạt động Khu vườn ước mơ vào chủ nhật hàng tuần. Tại chương trình, người tham gia chỉ cần mua combo gồm chậu cây, màu và cọ trị giá 50.000 đồng rồi thỏa sức sáng tạo ra chậu cây theo ý muốn. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được dùng để trao học bổng, dụng cụ học tập... cho chương trình Gửi em nụ cười.

Sau Trường Tiểu học Lam Sơn, Gửi em nụ cười lần lượt về các điểm trường ở tỉnh Trà Vinh. Vào ngày 24-2 sẽ là Trường Tiểu học Thạnh Sơn (xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Đặc biệt, sau chương trình thứ 3, nhận thấy điểm trường quản lý tủ sách không tốt, Huy và cộng sự của mình chuyển qua mua đồng phục, xe đạp và trao học bổng đến các em có hoàn cảnh khó khăn.

Thông thường, chương trình Khu vườn ước mơ chỉ diễn ra từ 8 giờ, kéo dài đến 13 giờ thì kết thúc. Bùi Hoàng Huy bảo, đây là cách anh và cộng sự giữ sức để có thể đi được đường dài. Anh lý giải: “Chúng tôi không đặt ra định kỳ bao nhiêu tháng thì tổ chức một lần, mà chừng nào có đủ 60 triệu đồng để trao học bổng, mua xe đạp và dụng cụ học tập cho các em, lúc đó chúng tôi sẽ thực hiện chương trình Gửi em nụ cười. Làm thiện nguyện phải bằng cái tâm, nhưng chúng tôi cũng muốn bảo vệ mình trước những áp lực. Có như vậy thì hoạt động thiện nguyện mới đi xa được”.

Hiện tại, Bùi Hoàng Huy đang làm việc tại một công ty nước ngoài với công việc chính là bán thiết bị khoa học kỹ thuật. Công việc đôi lúc không tránh khỏi những áp lực, nhưng Huy bảo, chỉ cần ra Đường sách, cùng tham gia vào Khu vườn ước mơ là tâm trạng lại thoải mái, năng lượng được hồi sinh.

Tin cùng chuyên mục