Cùng với sự phát triển của hệ thống mạng internet, các diễn đàn, các trang web tập hợp giới trẻ ngày càng phát triển, các bạn trẻ cũng dần tìm cho mình một môi trường thuận lợi để chia sẻ, giao lưu, trao đổi, tranh luận những vần đề ưa thích. Tuy nhiên, cũng từ những diễn đàn này, một thực trạng tiêu cực cũng đang có cơ hội bùng phát, tạo ra tâm lý lệch lạc ở một bộ phận các bạn trẻ, đó là thói quen hùa theo đám đông, đánh mất khả năng tự nhận thức đúng sai trước các vấn đề trong cuộc sống.
“Chửi” hùa
Cách đây không lâu, sau khi cá mập cắn người đi tắm biển, tỉnh B. đã ra công văn thông báo sẽ thưởng cho người bắt được con cá mập cắn người 10 triệu đồng. Sau đó, một số ngư dân bắt được một con cá mập, tỉnh B. đã thưởng nóng cho ngư dân 5 triệu đồng. Ngay lập tức, tại các diễn đàn tập trung đông giới trẻ đã nổ ra một cuộc phê phán tập thể ồn ào và náo nhiệt.
Ban đầu, một số bạn trẻ lập các diễn đàn nhỏ phê phán tỉnh này không giữ đúng lời hứa, sau đó những bạn trẻ khác vội vã ùa vào theo và những lời phê phán nhanh chóng chuyển thành miệt thị thậm chí là mạt sát lãnh đạo tỉnh. Rất nhiều những ý kiến trong đó thậm chí chưa kịp đọc bài viết mở đầu, mới chỉ nhìn cái tít và vài ý kiến phê phán trước đó, họ đã vội vã gửi ngay những ý kiến riêng đầy tiêu cực, nặng nề.
Không khí đang dâng lên cao trào thì bất ngờ, một số ý kiến xuất hiện, giải thích rằng phần thưởng được hứa là cho việc bắt con cá cắn người, những ngư dân kia mới chỉ bắt được một con cá mập nhưng chưa biết đó có phải là con đã cắn người hay không nên tỉnh chỉ thưởng nóng để khích lệ là đúng.
Thực tế, sau đó các chuyên gia đã xác nhận con cá bị bắt không phải là con cá đã cắn người, phong trào phê phán lãnh đạo tỉnh này ngay lập tức biến mất, nhanh hơn khi nó xuất hiện.
Không chỉ “chửi” lẻ tẻ, việc hùa theo đám đông để miệt thị cá nhân còn phát triển lên thành hệ thống. Đáng chú ý nhất là cuộc miệt thị tập thể đối với Công ty B. và sản phẩm bảo vệ an ninh máy tính khá nổi tiếng của công ty này. Trong quá trình quảng bá, giám đốc công ty này đã có nhiều phát biểu khá “bốc”, điều này thực ra nếu có góp ý thì cũng chỉ cần vài lời là đủ.
Thế nhưng, liên tiếp trong vài năm tên tuổi công ty và tên của giám đốc trở thành một “trò hề” trên mạng. Không chỉ miệt thị, chê bai, rất nhiều bạn trẻ còn bỏ công sức chỉnh sửa ảnh, video mang hàm ý miệt thị doanh nghiệp và cá nhân giám đốc công ty này. Phong trào này bùng nổ dữ dội và kéo dài cho đến gần đây mới dần chìm xuống.
Gần đây nhất, sự kiện cầu thủ Công Vinh sau khi bị án phạt có những tuyên bố về việc có thể bỏ nghề đã tạo nên một phong trào chửi hội đồng trên mạng. Các bạn trẻ còn sử dụng facebook để thành lập những hội ủng hộ Công Vinh bỏ nghề, ủng hộ Công Vinh đi làm thầy cúng (mỉa mai hành động quỳ lạy trên sân của cầu thủ này)…
Không những thế, các chuyện cá nhân của Công Vinh cũng bị bêu riếu rầm rộ, mà đỉnh điểm là việc phổ nhạc những bài hát chửi cầu thủ này.
Đánh mất khả năng tư duy
Khi lý giải hiện tượng này, người quản lý của một diễn đàn lớn dành cho giới trẻ trên mạng cho rằng đó là thói quen xấu của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Khi đọc thấy một vấn đề nào đó, thay vì phải tự tư duy, phân tích đúng sai, các bạn này lại chỉ chăm chăm xem người ta có ý kiến như thế nào để hùa theo. Nếu thấy chê thì vội hùa chê theo, thấy khen cũng hùa khen theo.
Đối với các bạn trẻ này, việc hùa theo như vậy được xem là một cách che giấu sự thiếu hiểu biết của mình, khiến người khác tưởng rằng mình cũng am tường vấn đề đang được nêu ra.
Minh chứng cụ thể nhất là trong việc chê bai sản phẩm Ipad của Hãng Apple. Tại Việt Nam, đã diễn ra một cuộc khẩu chiến của hai phe ủng hộ và chê bai sản phẩm này. Thế nhưng, ngoài một số người thực sự am hiểu sản phẩm thì một số lớn lại chỉ hùa theo cho có.
Kết quả, đã có trường hợp một bạn trẻ sau khi miệt thị hết lời Ipad với những nhận xét đầy vẻ chuyên nghiệp về sự bất tiện của sản phẩm này lại... không biết mở máy bằng cách nào (!?). Đến khi bị truy dữ quá, bạn trẻ này mới thú nhận chưa bao giờ chạm tay vào Ipad, những lời chê bai trước chẳng qua là đọc được trên mạng. Ấy vậy mà trước đó, bạn trẻ này đã có những nhận xét cứ như mình bị oan ức lắm vì mua phải một sản phẩm kém chất lượng.
Rất nhiều bạn trẻ sau một thời gian tham gia vào việc hùa theo đám đông đã dần nhận ra thực chất của vấn đề. Điển hình như vụ Công ty B., sản phẩm diệt virus của công ty này chưa thể gọi là hoàn hảo, tuyên bố của giám đốc cũng không thể coi là khiêm tốn, nhưng chỉ vì như vậy mà miệt thị là quá đáng. Vì thế, trào lưu chê bai doanh nghiệp này cũng dần giảm bớt, từ từ chìm lắng.
Mạng internet được xem là một xã hội ảo, ở trên xã hội ảo rộng mở này có rất nhiều kho tàng kiến thức, đa dạng kết nối xã hội đem đến nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng đem đến nhiều vấn đề tiêu cực. Trong đó, việc chạy theo đám đông để rồi đánh mất khả năng tư duy tự chủ của cá nhân được xem là gây ra những hậu quả ngầm gây ảnh hưởng cả đến xã hội thật.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các bạn trẻ - tương lai của đất nước, cũng mang thói quen không cần suy nghĩ đúng sai mà chỉ hùa theo số đông ra ngoài cuộc sống thật? Đây là nguy cơ có thật khi việc giáo dục, định hướng tư duy cho thế hệ trẻ đối với những vấn đề trên vẫn còn bỏ trống, không chỉ ở trường học, hệ thống Đoàn – Đội, mà còn cả ở gia đình và xã hội.
Tường Vy