Mập mờ quy hoạch, người dân lo lắng

Để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, nhiều huyện, thành phố ở tỉnh Đồng Nai đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch, chuyển diện tích đất nông nghiệp sang đất ở, thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, việc chưa thông tin đầy đủ, chưa công khai rộng rãi mục đích, lợi ích của việc điều chỉnh quy hoạch khiến người dân bức xúc.

Lo bị thu hồi đất

Hàng trăm hộ dân ở ấp 6 và ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom đang sống trong lo lắng vì thông tin mở rộng khu đất nông nghiệp từ 50ha thành 350ha để phát triển thương mại - dịch vụ. Đa số người dân cho rằng, chính quyền địa phương thiếu lắng nghe ý kiến của người dân trong việc quy hoạch đất nông nghiệp thành đất thương mại - dịch vụ. Bao đời nay, người dân ở đây sống bằng nghề nông, giờ quy hoạch khu đô thị là không phù hợp với thực tế nhu cầu phát triển của địa phương. Ông Nguyễn Thiện Ngộ (82 tuổi, ngụ ấp 6), sống ở đây từ năm 1979, cho biết: Khu vực này trước đây là đất rừng, sau giải phóng người dân tứ xứ về đây khai hoang, biến thành vùng quê trù phú. Ông Ngộ nói: “Gia đình tôi nhiều thế hệ sống bằng nghề nông, nay huyện Trảng Bom định thu hồi đất nhưng không giải thích rõ ràng. Huyện nói đã 2 lần tổ chức lấy ý kiến nhưng người dân không ai biết, bỗng nhiên huyện thông báo lấy ý kiến lần 3 khiến chúng tôi rất bất ngờ”.

Người dân ấp 6, xã Sông Trầu bức xúc vì chính quyền có chủ trương thu hồi đất làm dự án bất động sản nhưng chưa thông tin đầy đủ đến người dân
Tương tự, gia đình ông Tại Đình Long (SN 1956, ở ấp 6) sống tại đây từ năm 1972, khi chưa thành lập xã Sông Trầu, có 4ha đất trồng cây tiêu, chuối xuất khẩu cho thu nhập ổn định. Nếu địa phương thu hồi đất, gia đình ông Long sẽ không còn đất sản xuất và chưa biết chuyển đổi nghề gì để sống. “Vùng đất này xưa kia toàn rừng, người dân chúng tôi phải đổ bao mồ hôi, công sức cải tạo đất để trồng trọt, chăn nuôi. Đường không có, các hộ dân phải tự làm đường, nay cuộc sống ổn định, hạ tầng khang trang thì sắp bị Nhà nước thu hồi đất; chúng tôi muốn biết khi triển khai quy hoạch mới này thì người dân được lợi gì?”, ông Long bày tỏ.

Mập mờ thông tin

Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu, đến nay vẫn chưa có thống kê số hộ dân bị ảnh hưởng trong việc mở rộng quy hoạch khu đất từ 50ha thành 350ha tại địa phương. Hiện UBND xã Sông Trầu đang lấy ý kiến của người dân về hồ sơ quy hoạch chung xây dựng xã Sông Trầu, giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại về việc quy hoạch 350ha tại xã Sông Trầu, ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng TN-MT huyện Trảng Bom, cho biết, hiện đang trong thời gian niêm yết công khai, lấy ý kiến nhân dân về lập hồ sơ quy hoạch sử dụng đất huyện Trảng Bom đến năm 2030. Hội đồng quy hoạch, thẩm định của UBND tỉnh Đồng Nai đã thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Trảng Bom (trong đó có 350ha tại xã Sông Trầu). Chúng tôi đặt câu hỏi: “Tại sao chưa có ý kiến của người dân, quy hoạch sử dụng đất lại được thông qua?”. Ông Hùng lặp lại: “Có chứ, phải lấy ý kiến người dân” và nói không phải là người phát ngôn về vấn đề này, rồi cúp máy.

Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết, UBND huyện Trảng Bom đang trong quá trình tổng hợp, lấy ý kiến và sẽ trả lời người dân về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Hiện nay, quy hoạch 350ha tại xã Sông Trầu vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.

Theo tài liệu phóng viên có được, hiện UBND tỉnh Đồng Nai có kế hoạch mở 3 tuyến đường qua xã Sông Trầu là Trảng Bom - Cây Gáo, Vành đai 3, Vành đai 4, làm cho 350ha đất ở khu vực này trở thành khu đất “vàng” nên nhiều nhà đầu tư bất động sản “dòm ngó”.  Hiện nay, giá đất ở mặt tiền đường liên ấp qua ấp 6, 7 đã có giá 2 tỷ đồng/1.000m2, nên người dân đang rất lo ngại việc mở rộng quy hoạch để phát triển nhà ở kết hợp phát triển thương mại - dịch vụ sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản được hưởng lợi, còn người dân sẽ chỉ được bồi thường với giá đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất và xem như trắng tay.

Tin cùng chuyên mục