Song song đó, các chương trình quảng bá, xúc tiến hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch, ẩm thực, điện ảnh khiến cho sức hút của thị trường này trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Nắm bắt nhanh nhạy xu hướng này, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, thời trang, mỹ phẩm… của Hàn Quốc cũng tấp nập đổ bộ vào nước ta. Điều đáng nói, không chỉ có những thương hiệu uy tín, tên tuổi của Hàn Quốc góp phần tích cực tác động đến thị trường tiêu dùng nước ta, mà còn có cả những thương hiệu gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.
Thương hiệu Mumuso là một trong số này, với hàng loạt nghi vấn giả mạo, nhái thương hiệu được chính Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc lên tiếng cảnh báo cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
Cụ thể, tháng 3-2018, đài SBS và MBC (Hàn Quốc) đặt nghi vấn và chỉ ra hàng loạt bất thường cho thấy Mumuso là thương hiệu mạo danh Hàn Quốc, vì có trụ sở, nơi sản xuất tại Trung Quốc. Đây là chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên về các sản phẩm làm đẹp, thời trang, phụ kiện, đồ gia dụng các loại với hơn 300 cửa hàng trên khắp Trung Quốc và có mặt trên 20 quốc gia khắp thế giới (Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Philippines…).
Riêng ở thị trường Việt Nam, Mumuso có 27 cửa hàng và hơn 200.000 khách hàng thân thiết. Dự tính, công ty này sẽ phát triển lên hơn 80 cửa hàng trong năm 2018 này. Điều kỳ lạ, sản phẩm của thương hiệu Mumuso hoàn toàn không thấy có mặt tại thị trường Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát “bỏ túi” của Hàn Quốc cho thấy, khách hàng Việt, nhất là người tiêu dùng trẻ tuổi tin tưởng thương hiệu Hàn Quốc nên mua hàng tại Mumuso.
Vấn đề đặt ra ở đây chính là có hay không việc Mumuso cố tình mập mờ đánh tráo khái niệm, lừa đảo người tiêu dùng? Lời giải được đại diện Công ty Mumuso Việt Nam (gọi tắt Mumuso) lần lượt đưa ra vào ngày 11-5, tại cuộc họp báo diễn ra ở TPHCM. Thế nhưng, Mumuso càng minh oan cho mình thì càng… rối. Chẳng hạn, sản phẩm bán tại Mumuso chỉ ghi dòng chữ nhỏ “Made in China”, trong khi trên sản phẩm ghi chủ yếu là tiếng Hàn Quốc, thỉnh thoảng có vài chữ Trung Quốc.
Khi báo chí truy vấn, ông Nhâm Phi Khanh, Giám đốc Mumuso Việt Nam, chống chế rằng, để tránh gây hiểu nhầm, sắp tới trên sản phẩm của Mumuso sẽ ghi bằng tiếng Anh thay vì tiếng Hàn Quốc và Trung Quốc như hiện nay (?!). Còn lý do phía đài truyền hình Hàn Quốc tìm không ra trụ sở Mumuso Hàn Quốc là do… công ty mới thay đổi trụ sở vào tháng 8-2017, trong khi phóng viên truyền hình SBS lại dựa vào thông tin sản xuất từ đầu năm 2017. Thêm nữa, Mumuso cũng một mực khẳng định sản phẩm mang thương hiệu Hàn Quốc, phong cách Hàn Quốc, đáp ứng các tiêu chuẩn Hàn Quốc. Còn việc đặt trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) là chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận.
Thế nhưng, khi giới truyền thông hỏi: sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc vậy có được mang qua Hàn Quốc kiểm định, hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn của Hàn Quốc hay không thì Mumuso nói rằng câu hỏi này khó trả lời. Đáng chú ý, việc nhượng quyền thương hiệu của Mumuso Việt Nam cũng khá lòng vòng. Thay vì nhận giấy chứng nhận nhượng quyền trực tiếp từ Mumuso Hàn Quốc thì Mumuso Việt Nam được nhượng quyền từ Mumuso Thượng Hải.
Điểm qua vài thông tin trên, người tiêu dùng cho dù có lơ mơ nhất cũng thấy được chiêu trò và nhận diện ra Mumuso là của ai, đến từ đâu. Các trường hợp sản phẩm mập mờ, đánh tráo khái niệm về thương hiệu kiểu như Mumuso không phải mới, nhưng thông tin này rất đáng cảnh tỉnh cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp trên thị trường. Bởi thực tế, theo như những gì mà lãnh đạo Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc cảnh báo, một khi xảy ra sự cố từ Mumuso (hàng kém chất lượng, hàng dỏm…) thì ngoài việc người tiêu dùng Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới phải chịu trận, nước chủ nhà Hàn Quốc cũng ảnh hưởng uy tín nặng nề, mất nhiều hơn được.