Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngân sách đối mặt với một số thách thức như: tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, giá dầu biến động khó lường, các khoản thu có tính chất một lần (như tiền sử dụng đất) giảm mạnh… trong khi áp lực chi ngân sách vẫn tăng. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức để đảm bảo an ninh tài chính công, đồng thời phục vụ tăng trưởng bền vững.
Giảm thu, chi cao gây áp lực lớn với ngân sách
Theo ông Trương Bá Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), yêu cầu đảm bảo tính bền vững của quy mô động viên ngân sách đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong 15 năm qua, quy mô thu ngân sách so với GDP sau một giai đoạn mở rộng, từ mức bình quân 24,5% GDP (2001-2005) lên mức 26,3% GDP (giai đoạn 2006-2010) thì từ năm 2011 đến nay đã bắt đầu xu hướng sụt giảm.
Sự sụt giảm quy mô thu trong khi chi vẫn ở mức cao đã gây áp lực không nhỏ đối với cân đối ngân sách.
Nguyên nhân quy mô thu ngân sách giảm do: tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% (áp dụng từ 1-1-2016); sụt giảm số thu từ dầu thô…
Cơ cấu thu chưa bền vững (còn phụ thuộc vào khoản thu không tái tạo như thu từ quyền sử dụng đất, thoái vốn nhà nước, thu từ tài nguyên), sự giảm dần về quy mô thu đã đặt ra thách thức trong duy trì cân đối ngân sách, khiến cho chi đầu tư phát triển trong 5 năm qua có xu hướng giảm (28,6% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 25,2% giai đoạn 2011-2015), nhưng chi thường xuyên lại tăng (mức 54,8% giai đoạn 2006-2010 lên 62,8% giai đoạn 2011-2015).
Chi đầu tư phát triển giảm được dự báo tác động tiêu cực đối với tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế. Chính vì lẽ đó, việc tuân thủ được “nguyên tắc vàng” trong cân đối ngân sách của Việt Nam đang gặp phải một số thách thức, thặng dự ngân sách thường xuyên có xu hướng giảm.
TS Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế tài chính, cũng cho rằng, cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên tuy có được quan tâm và nâng cao hơn nhưng tốt độ tăng hiệu quả chi còn chậm. Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong chi đầu tư phát triển vẫn hiện hữu, từ khâu lập quy hoạch lập dự án đầu tư đến triển khai thực hiện và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Không ít dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn hàng chục phần trăm, thậm chí vài lần so với dự toán ban đầu đã khiến chi ngân sách gặp khó khăn.
Chia sẻ vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, cho rằng, khiếm khuyết lớn nhất của hệ thống tài chính công là vấn đề kỷ luật ngân sách không nghiêm ngay từ khâu lập dự toán, tổ chức thực hiện và chế độ giám sát trong quá trình thực hiện. Ví dụ như trong việc lập dự toán, năm 2014 và năm 2015 thu cân đối vượt lần lượt 44% và 42%. Sai lệch lớn đã làm cho tính nghiêm túc của dự toán và quyết toán bị thách thức. Còn chi thì kỷ luật ngân sách chưa nghiêm khi tổng chi sau quyết toán thường vượt hơn 30% so với dự toán. Kỷ luật ngân sách lỏng lẻo để cho chi tiêu vượt dự toán một số lượng quá lớn thì không thể xem là bình thường dù tỷ lệ động viên ngân sách trên dưới 20% GDP và kể cả huy động khác cũng xấp xỉ 30% GDP.
Tính toán việc lựa chọn tăng thuế suất
Để hướng tới tăng trưởng bền vững, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, chính sách động viên ngân sách từ thuế hướng vào việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, với thuế giá trị gia tăng sẽ điều chỉnh theo hướng giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế; nâng mức thuế suất từ 10% lên 12%...
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tuyến, hiện việc tăng quy mô số thu được thực hiện chủ yếu thông qua: tăng mức động viên (tăng thuế suất) và mở rộng cơ sở thuế. Nếu như tăng mức động viên trong ngắn hạn sẽ làm tăng số thu nhưng đây là giải pháp có tác động làm giảm cơ sở thuế (tăng thuế sẽ làm cho GDP tăng trưởng chậm lại) và trong một mức độ nhất định cũng sẽ làm giảm thu. Như vậy, để đạt được mục tiêu động viên thu bền vững thì không nên lựa chọn giải pháp này. Việc mở rộng cơ sở thuế cũng sẽ làm cho mức động viên tăng. Để mở rộng cơ sở thuế thì cần nhiều giải pháp, trong đó bao gồm cả giải pháp về giảm thuế. Giải pháp này được đánh giá là sẽ tạo ra số thu thuế có tính bền vững và dài hạn. Bởi thực tiễn đã chứng minh, từ những năm 1990 đến nay, nhiều chính sách thuế không ngừng được bổ sung, sửa đổi theo hướng giảm thuế song mức động viên thu ngân sách vẫn tăng lên.
Theo PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng bộ môn, Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính), so sánh cho thấy, tỷ trọng thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tổng thu ngân sách đã cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển tại châu Á nên những đóng góp từ nguồn này khó có thể tăng lên. Tuy nhiên, một số loại thuế mà tỷ lệ trong tổng thu ngân sách vẫn thấp hơn trung bình các nước châu Á như: thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên và thuế bất động sản. Tuy nhiên, dù cần điều chỉnh một số chính sách thuế để đảm bảo tính bền vững của ngân sách nhưng về dài hạn cần xem xét mức thuế suất phù hợp với khả năng nộp thuế của doanh nghiệp, người dân cũng như tác động của việc tăng thuế. Cần phải có những đánh giá với bằng chứng cụ thể và rõ ràng, tránh lạm dụng việc mở rộng đối tượng chịu thuế chỉ phục vụ cho mục tiêu duy nhất là tăng nguồn thu.
Trong vấn đề chi, nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn ngừa, hạn chế thất thoát, lãng phí vốn đầu tư từ ngân sách trong bối cảnh nguồn vốn còn hạn hẹp thì việc bố trí vốn phải quán triệt nguyên tắc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách như vốn mồi. Đồng thời mở rộng các phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Theo PGS-TS Nguyễn Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cùng với đó, cần nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch trong đầu tư công; việc lựa chọn dự án nhất thiết phải được tiến hành bằng hình thức công khai và thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với dự án đầu tư công cũng như tăng cường giám sát thực hiện.
GS-TSKH Nguyễn Quang Thái cũng cho rằng, cần thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách bằng việc xác định đúng chức năng của Nhà nước và hệ thống chính trị để có nội dung chi đích đáng theo thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực. Bên cạnh đó là nâng cao kỷ luật tài khóa, củng cố bền vững ngân sách, kết hợp với quá trình cơ cấu lại kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước…
Từng bước thực hiện tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế…