Mặt trái của thu hẹp tầng lớp trung lưu

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD), việc nhóm có thu nhập trung lưu ngày càng nhỏ đi không chỉ khiến ảnh hưởng kinh tế của nhóm này giảm, mà còn đe dọa ổn định chính trị và phát triển kinh tế toàn cầu. 

OECD định nghĩa “trung lưu” là những hộ có thu nhập 75% - 200% thu nhập trung bình ở các nước phát triển. Vào thời kỳ phát triển hoàng kim của tầng lớp trung lưu năm 1985, tổng thu nhập của nhóm này cao hơn gấp 4 lần tổng thu nhập của nhóm người giàu nhất. Nhưng chỉ hơn 3 thập niên sau, tỷ lệ đó rút xuống chỉ còn dưới 3 lần và đến nay thì nhóm các gia đình trung lưu phải đi vay tiền do chi phí nhà ở, giáo dục và y tế đều tăng rất nhanh trong khi thu nhập lại giảm.

Tỷ lệ trung lưu so theo dân số ở các nước thành viên OECD cũng đã giảm trong 30 năm qua, từ 64% xuống 61%, giảm mạnh nhất là ở Mỹ, Israel, Đức, Canada, Phần Lan và Thụy Điển. Cũng theo OECD, tầng lớp trung lưu mất đi tầm ảnh hưởng của mình đối với nền kinh tế chung vì tăng trưởng thu nhập của nhóm này khá ảm đạm nếu so với tăng trưởng thu nhập ở nhóm những người giàu nhất. Ước tính khoảng 20% các gia đình trung lưu tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được và dễ bị rơi vào cảnh nợ nần hơn những hộ giàu có. Cứ trung bình 8 người lại có một người nợ tới 75% giá trị tài sản đang sở hữu.

Theo OECD, có mối liên hệ rõ ràng giữa sự phát triển của nhóm thu nhập trung lưu với sự tăng trưởng kinh tế chung ở mỗi nước và trên toàn cầu. Các nước Tây Âu nói chung có thuế suất thu nhập cao hơn Mỹ, đồng thời tình trạng bất bình đẳng cũng tăng chậm hơn so với Mỹ. Phát biểu với tờ Wall Street Journal, Stefano Scarpetta, Giám đốc phụ trách việc làm tại một cơ quan nghiên cứu chuyên tư vấn chính sách cho các chính phủ, có trụ sở ở Paris, cho biết, cơ quan này đã đề xuất một số giải pháp cải thiện tình trạng trên, trong đó có việc giảm thuế cho những người thu nhập trung bình, đánh thuế cao hơn với nhóm nhà giàu và tiến hành các bước kiểm soát chi phí nhà cửa, giáo dục và y tế.

Còn tại Mỹ, những ngày vừa qua, các nghị sĩ đảng Dân chủ và các ứng viên sắp ra tranh cử tổng thống Mỹ đang tập trung vào hàng loạt kế hoạch tăng thuế đối với người giàu để giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn ở Mỹ. Hồi cuối tháng 1, nữ Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez có mặt tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) và đề xuất mức thuế lũy tiến cao nhất lên tới 70%, áp dụng cho phần thu nhập trên 10 triệu USD. Đến ngày 8-2 vừa qua, bà lại đưa ra “Kế hoạch kinh tế mới” bằng một chương trình đảm bảo việc làm cho hàng triệu người dân Mỹ với mục tiêu “tất cả người dân Mỹ đều có một việc làm đủ để nuôi sống gia đình, có thời gian nghỉ ốm và nghỉ phép gia đình, ngày nghỉ có lương và hưu trí khi về già”. Theo giới phân tích, kế hoạch này là sự thừa hưởng của “Chính sách kinh tế mới” (The New Deal) năm 1944 của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Đây là một trong những chính sách giúp vực dậy nước Mỹ khỏi cuộc Đại Khủng hoảng bằng cách áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân lũy tiến cao nhất lên đến 94%. Thành quả của chính sách này đã giúp ông trúng cử 4 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp - trở thành người trúng cử tổng thống Mỹ nhiều lần nhất lịch sử.

Tin cùng chuyên mục