Mâu thuẫn nội bộ

Nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng các doanh nghiệp nước này vẫn ngần ngại không muốn thuê thêm nhân công. Họ không tin rằng nhu cầu của các đối tác kinh doanh sẽ tiếp tục tăng và lo sợ nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ lan ra toàn cầu. Hoặc họ chần chừ khi nghĩ rằng Quốc hội sẽ đưa ra quyết định mới trong tháng tới. Hoang mang chính là tâm lý chung của hầu hết những người sử dụng lao động Mỹ hiện nay.

Tâm lý này cũng là lý do giải thích vì sao chỉ có thêm 69.000 việc làm mới ở Mỹ vào tháng 5, mức thấp nhất trong một năm qua và là tháng thứ 3 liên tiếp tỷ lệ việc làm tăng trưởng yếu. Lo lắng đầu tiên là việc nợ công Chính phủ Mỹ đang gần chạm mức trần dù năm ngoái Quốc hội đã cho phép nâng mức trần nợ công, chi tiêu của nhà nước và địa phương bị cắt giảm, ngân sách cho giáo dục, cơ sở hạ tầng và một số ngành dịch vụ công cũng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Như đối với các công ty xây dựng đường cao tốc, kế hoạch thuê nhân công gần như bị đình chỉ cho đến khi Quốc hội Mỹ thôi tranh luận về việc hỗ trợ các dự án xây dựng.

Sau đó, hiệu ứng dây chuyền xảy ra tương tự với các đối tác của công ty xây dựng này là những nhà máy khai thác đá sỏi và sản xuất nhựa đường. Hay đối với các doanh nghiệp xăng dầu, mối lo của họ là việc nhu cầu xăng ở Mỹ đã giảm trong 62 tuần liên tiếp do người dân hạn chế lái xe cá nhân và bớt đi du lịch và nhu cầu dầu diesel cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng yếu đi do sản xuất giảm.

Các công ty càng lo lắng hơn khi chính sách giảm thuế thu nhập từ thời cựu Tổng thống G.W.Bush gần hết hạn vào cuối năm nay. Một số chủ doanh nghiệp cho biết đáng lý họ sẽ cần nhiều nhân công vào cuối năm nhưng không thể tuyển thêm vì nghĩ đến mức thuế liên bang sắp tới. Đối với một số công ty, doanh số bán hàng tại Mỹ, Trung Đông và châu Á dù vẫn tăng, nhưng tại khu vực châu Âu lại giảm xuống có khi đến 60%, khiến người thất nghiệp Mỹ tiếp tục chờ đợi vô vọng. Một lý do khác là Quốc hội Mỹ sắp gia hạn thêm chính sách cắt giảm thuế an ninh xã hội, đặt nhiều doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra vào tâm trạng không muốn mở rộng biên chế.

Ngoài ra, viễn cảnh khủng hoảng nợ công tồi tệ hơn ở châu Âu và việc các nền kinh tế lớn ở châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay có thể tác động xấu đến các ngân hàng, thị trường chứng khoán... đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng Mỹ khiến họ thắt chặt chi tiêu.

Hầu hết doanh nghiệp Mỹ phàn nàn rằng họ không thể vạch chiến lược kinh doanh cho tương lai vì các thay đổi trong quy định và trợ cấp môi trường kinh doanh của chính phủ quá khó hiểu. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng đây là cách các doanh nghiệp “làm nũng” với chính phủ vì muốn chính phủ tiếp tục cắt giảm thuế thu nhập.

Điều này là nguyên nhân khiến các nhà phân tích nhận định rằng người lao động Mỹ có thể đang không bị ảnh hưởng bởi các tác động của kinh tế thế giới mà bởi những mâu thuẫn trong chính nội bộ nước Mỹ. 

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục