Ở một quán ăn vùng ven, 6 cô phục vụ đều ở các tỉnh xa đến TPHCM kiếm sống. Trong 6 cô thì đã có 4 cô gửi con ở nhà cho mẹ nuôi. Mỗi cô một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung một tình tiết: Lấy chồng sớm, có con xong, gia đình hục hặc, vợ chồng chia tay, gửi con cho mẹ già nuôi, lên thành phố tìm việc làm.
“Chuyện đó không lạ” nhiều người đã cho biết như trên vì ở các công ty ngành may, số công nhân nữ còn trẻ gửi con ở quê rồi đi tỉnh xa làm việc là chuyện phổ biến. Tỷ lệ thanh niên ĐBSCL bỏ quê hương lên các tỉnh, thành như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… làm việc ước lượng khoảng 40% - 50%, trong đó, số lượng bà mẹ trẻ phải rời xa con chắc cũng không ít!
Đau lòng hơn, có những đứa trẻ xa mẹ ngay từ lúc còn đỏ hỏn. Bên ngoại chăm sóc từ miếng sữa, manh áo, từ lúc còn nằm ngữa, cho đến khi đi học... Cái gì cũng phải qua tay ngoại. Mẹ thì một năm về được vài lần, thỉnh thoảng gọi điện về, nên “mẹ thực tế” của các em là bà ngoại. Nhiều giáo viên ở tỉnh cho biết, đã quen với chuyện họp cha mẹ học sinh nhưng đa phần người dự là… bà ngoại. Bà ngoại chỉ chăm sóc cái ăn, cái mặc, còn chuyện học hành khoán trắng cho cháu, nên các thầy cô giáo thường gặp phải những học sinh cá biệt, học yếu, kỷ luật kém trong các trường hợp này.
Một cô giáo dạy tiểu học cho biết, nhiều học sinh không phải anh em một nhà nhưng đã tả về mẹ giống nhau như đúc. Không bằng lòng với kết quả đó, cô truy ra mới biết, các em không thể nào có dấu ấn của người mẹ mình, vì “mẹ của em ở nhà là bà ngoại em”.
“Em ở nhà, không việc làm là đói cả nhà, buộc phải lên đây làm việc, để gửi tiền về nhà cho bà cháu, chứ ai lại muốn mẹ con xa nhau”, cô phục vụ quán tâm sự. Vẫn biết vì hoàn cảnh khó khăn, các người mẹ trẻ buộc phải dứt núm ruột mình sinh ra để bươn chải lên thành để kiếm sống, nhưng cảnh mẹ già phải chăm cháu ngoại nơi quê phổ biến và cứ tiếp diễn ngày càng nhiều là một dấu lặng buồn đáng suy nghĩ ở nông thôn hiện nay!
NGUYỄN AN