Các nhà máy đường ở ĐBSCL đang vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Ất Mùi 2015. Thế nhưng giá đường không nhích lên, vẫn dao động ở mức thấp 11.400 - 11.600 đồng/kg.
Với giá này các nhà máy chế biến và nông dân trồng mía từ hòa tới lỗ vốn. Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp nông dân trồng mía thua lỗ, dẫn đến tình trạng phá bỏ ruộng mía tràn lan ở các tỉnh ĐBSCL.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thừa nhận, một trong những nguyên nhân đẩy ngành mía đường đứng bên bờ vực là do giá đường liên tục giảm. Nếu như niên vụ 2011 - 2012, giá đường bán ra từ 18.000 - 19.000 đồng/kg thì sang niên vụ 2012 - 2013 giá giảm còn 14.500 - 15.000 đồng/kg. Tới niên vụ 2013 - 2014 tiếp tục rớt xuống 12.000 - 13.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán, đẩy các nhà máy vào cảnh “chạy càng nhiều càng lỗ nặng”. Niên vụ 2014 - 2015 này, tình hình càng khó hơn. Giá đường giảm nhanh và khó tiêu thụ là do tác động của đường cát Thái Lan nhập lậu vào nước ta với số lượng lớn và bán giá thấp nên chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài ra, các nhà máy trong nước không ngừng tăng công suất hoạt động, vượt xa nhu cầu tiêu thụ nội địa, từ đó dẫn tới sản lượng tồn kho cao. Thừa đường, nên việc xuất khẩu là giải pháp cần phải tính đến, tuy nhiên vấn đề này gặp trục trặc bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cơ chế.
VSSA cho biết, mỗi năm các nhà máy có nhu cầu xuất khẩu hơn 300.000 tấn đường, nhưng xuất chính ngạch rất khó bởi giá đường của ta cao hơn đường thế giới, không ai mua. Con đường duy nhất là xuất dạng tiểu ngạch hoặc “đường biên lối mở”, song việc này gặp nhiều vướng mắc, rủi ro cao. Đây là bài toán nan giải của các nhà máy đường.
Để khắc phục những hạn chế của ngành mía đường, theo VSSA cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao chữ đường, có cơ chế chuyển đổi sản xuất mía từ manh mún sang tập trung quy mô lớn. Các nhà máy đầu tư thiết bị hiện đại, giảm số lượng lao động, tiến tới tự động hóa nhiều khâu nhằm giảm chi phí, tăng hiệu suất… Song song đó, nghiên cứu đầu tư sản xuất điện từ bã mía và các sản phẩm khác để tăng nguồn thu cho nhà máy đường. Về quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngành mía đường về vốn, xây dựng vùng nguyên liệu, cơ chế xuất khẩu, có biện pháp ngăn đường lậu hiệu quả nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Mặt khác, sớm cho ra đời Nghị định về mía đường, nhằm đề ra chiến lược phát triển mía đường dài hạn.
NGUYỄN THANH