Ria Novosti đưa tin, ngày 2-11, bất chấp phản đối của Chính phủ Ukraine và phương Tây, hai nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass là Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) bước vào kỳ bầu cử Quốc hội và Tổng thống.
Chia rẽ sâu sắc tại Ukraine
Cuộc bầu cử diễn ra từ 8 giờ ngày 2-11 (12 giờ cùng ngày giờ Việt Nam) và kết thúc sau 12 giờ. Tổng cộng có 364 điểm bầu cử tại Donetsk, 3 điểm bầu cử tại Nga dành cho người tị nạn, 102 điểm bầu cử tại Lugansk đã mở cửa để bầu chọn người đứng đầu chính quyền và cơ quan lập pháp của các vùng lãnh thổ này. Số phiếu cử tri được in ra là 2 triệu phiếu bầu.
Tham gia tranh cử vào cương vị người đứng đầu DPR có 3 ứng cử viên: lãnh đạo phe chống đối Alexander Zakharchenko, cựu nhân viên cảnh sát đặc nhiệm Berkut, Yuri Sivokonenko và đại biểu lập pháp Novorossia, Alexander Kofman. Tham gia tranh cử vào cơ quan lập pháp có 2 đảng Donbass Tự do và Cộng hòa Donetsk.
Tại một điểm bỏ phiếu ở Đông Ukraine.
Tranh cử vào chức đứng đầu LPR có 4 ứng cử viên: lãnh đạo phe chống đối Igor Plotnitskyi, Chủ tịch Liên hiệp công đoàn Oleg Akimov, Bộ trưởng Y tế Larissa Ayrapetyan và doanh nhân Victor Penner. Ba phong trào ứng cử vào cơ quan lập pháp gồm: Thế giới người Lugansk, Liên minh Kinh tế Lugansk và Liên minh Nhân dân. 100 đại biểu sẽ được bầu vào Hội đồng Nhân dân DPR nhiệm kỳ 4 năm. Người đứng đầu DPR và LPR được bầu cho nhiệm kỳ 4 năm. Quốc hội LPR cũng bầu theo nhiệm kỳ 4 năm với 50 đại biểu. Theo cuộc thăm dò của Đại học Tổng hợp quốc gia Donetsk, tỷ lệ cử tri đi bầu vào khoảng 56%.
Theo giới phân tích, cuộc bầu cử tổ chức tại miền Đông chỉ 1 tuần sau khi Chính phủ Ukaine tổ chức bầu Quốc hội cho thấy sự phân chia sâu sắc trong xã hội Ukraine hiện nay. Xung đột vẫn tái diễn ở khu vực này với hơn 4.000 người thiệt mạng trong vòng 7 tháng giao tranh tại miền Đông Ukraine.
Gia tăng căng thẳng
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bầu không khí căng thẳng do đang có sự tranh cãi giữa các bên như Nga, Mỹ và Chính phủ Ukraine về tính hợp pháp. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khẳng định không công nhận kết quả của cuộc bầu cử.
Còn Tổng thống Ukraine Poroshenko cho rằng cuộc bầu cử này sẽ đặt quá trình hòa giải tại Đông Ukraine dưới nguy cơ bị phá vỡ. Đây cũng là phép thử đầu tiên với tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. EU cho rằng cuộc bầu cử này là phi pháp, hủy hoại các nỗ lực hòa bình mong manh và sẽ không được công nhận.
Trái với lập trường trên, Nga tuyên bố sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử gây tranh cãi của lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Đây là một trong những hướng quan trọng nhất của thỏa thuận Minsk. Chúng tôi hy vọng rằng việc bày tỏ nguyện vọng của cử tri sẽ được tiến hành tự do và sẽ không có ai từ bên ngoài cố gắng phá hoại”.
Với những quan điểm trái ngược giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc bầu cử tại khu vực miền Đông ở Ukraine thì điều này có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ của các bên vốn đã căng thẳng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trước đó, EU tuyên bố không loại trừ khả năng áp đặt gói trừng phạt mới nhằm vào Nga trong trường hợp nước này công nhận cuộc bầu cử ở Donetsk và Lugansk.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đề nghị xem xét việc ngưng cung cấp khí đốt cho các lãnh thổ ở Đông Ukraine. Đây được coi là đòn răn đe của chính quyền Kiev đối với các cuộc bầu cử tại Donetsk và Lugansk. Lý giải cho đề nghị này, chính quyền Kiev cho biết khu vực miền Đông đã nợ hàng trăm triệu USD tiền bán khí đốt.
Theo các tổ chức nhân đạo quốc tế, trong một môi trường khắc nghiệt tại miền Đông Ukraine, khi nhiệt độ thường dưới 0°C trong suốt mùa đông thì việc cắt nguồn cung khí đốt sẽ khiến người dân chết vì lạnh.
THANH HẰNG (tổng hợp)