Miền Trung: Mới đầu mùa mưa bão, nhiều nơi đã ngập

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, suốt từ đêm 24 và ngày 25-9, tại các tỉnh miền Trung mưa trắng trời khiến nhiều nơi bị ngập nặng, giao thông hỗn loạn. Trong khi đó, vùng ven biển bị lốc đánh lật tàu, nhà cửa tốc mái.

Ám ảnh phố ngập

Ngày 25-9, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Đà Nẵng ngập sâu, giao thông hỗn loạn do lượng xe lưu thông đầu tuần quá lớn, nhất là vào giờ cao điểm.

Theo ghi nhận, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Quý Đôn, Lê Duẩn, Núi Thành (quận Hải Châu); Cách Mạng Tháng Tám, Trường Sơn, Võ An Ninh (quận Cẩm Lệ); Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà); Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu); Trần Cao Vân (quận Thanh Khê)… nước ngập sâu từ 20-50cm, có những điểm kéo dài hàng trăm mét, đường phố như biến thành sông. Trong khi đó, do đầu tuần, ngập nước lại đúng vào giờ cao điểm trên các trục đường chính nên giao thông bị ách tắc, hỗn loạn.

Người dân cậy nắp, dọn rác khơi thông miệng cống tại đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Ảnh: PHẠM NGA

Người dân cậy nắp, dọn rác khơi thông miệng cống tại đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Ảnh: PHẠM NGA

Tại nút giao đường Tiểu La - Núi Thành, Lê Quý Đôn - 2/9, nước ngập hơn nửa bánh xe khiến ô tô chết máy, nhiều người đi xe máy phải quay trở lại. Tại nút giao đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ, mưa lớn nhiều giờ liền khiến cống thoát nước phun lên như vòi rồng; người dân phải cạy nắp cống thông rác. Tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, mưa như trút nước khiến khu vực này luôn ngập trong mỗi mùa mưa.

Mưa lớn ngay giờ cao điểm nên rất nhiều người bị trễ giờ đi làm; sinh viên, học sinh trễ giờ học; thầy cô không thể đến trường kịp giờ lên lớp… do mắc kẹt trong các điểm ngập. Trong khi đó, tại đường Võ Nguyên Giáp (đi theo hướng bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà), tranh thủ thời tiết tạnh mưa, vài ngư dân có thuyền thúng, thuyền gắn máy khẩn trương bắt tay vào việc di chuyển phương tiện lên bờ. Một số ngư dân ngâm mình trong nước biển để kéo thuyền thúng vào bờ. Nhiều ngư dân lựa chọn phương án cẩu phương tiện vào sâu trong đất liền.

Do ám ảnh trận ngập lụt khiến cả Đà Nẵng “thất thủ” như hồi 14-10-2022, chiều 25-9, rất nhiều người dân TP Đà Nẵng di chuyển bằng ô tô cố gắng thoát ra những khu vực ngập nước để chạy đến những điểm cao đỗ xe, đề phòng mưa lớn ngập nước.

Lốc xoáy, lật thuyền

Ngày 25-9, tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn kèm lốc xoáy do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới khiến 6 người dân bị thương; 84 nhà dân tại TP Huế và các huyện Quảng Điền và Phú Vang bị hư hỏng và tốc mái. Nhiều tuyến đường tại TP Huế và một số huyện thị vùng ven bị sạt lở hoặc ngập từ 30-50cm nước gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, chiều 25-9, khi mưa ngớt hạt, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và bộ đội biên phòng tỉnh đã về phối hợp với chính quyền các địa phương bị thiệt hại, tổ chức khắc phục, sớm ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy.

Cùng ngày, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấm đường 71 nối từ xã Phong Xuân (Phong Điền) đi huyện miền núi A Lưới dài khoảng 50km để tránh nguy cơ sạt lở và ngập lụt.

Trong khi đó, khoảng 4 giờ ngày 25-9, ngư dân Nguyễn Văn Tùng (38 tuổi, trú thôn 2) cùng Nguyễn Văn Thuấn (42 tuổi, trú thôn 3, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) và Võ Đức Hùng (48 tuổi, trú tỉnh Quảng Bình) đang hành nghề khai thác sò tại khu vực Hòn Én (vùng biển giáp ranh huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh), cách đất liền khoảng 3 hải lý thì bất ngờ bị sóng đánh chìm thuyền.

Người dân ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh dùng dây thừng đưa 3 ngư dân gặp nạn vào bờ

Người dân ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh dùng dây thừng đưa 3 ngư dân gặp nạn vào bờ

Lúc này, 3 ngư dân trên đã ôm được 3 can nhựa loại 20 lít và trôi lênh đênh trên biển nhiều giờ. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, 3 ngư dân này trôi vào gần bãi biển Lài Mây (thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân) và được người dân xã Kỳ Xuân phát hiện và kịp thời cứu nạn, đưa vào bờ an toàn. Hiện tình trạng sức khỏe của 3 ngư dân ổn định và đã trở về nhà; riêng chiếc thuyền bị chìm chưa thể trục vớt.

Theo Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, đến chiều 25-9, TP Đà Nẵng vẫn còn 107 tàu thuyền với 1.140 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó tàu ĐNa 90709 nằm trong đường di chuyển của áp thấp. Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã hướng dẫn tàu cá này di chuyển về Quảng Ngãi để đảm bảo an toàn. Đồng thời theo dõi chặt chẽ hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới nhằm thông báo, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động vòng tránh, không để tàu thuyền đi vào khu vực nguy hiểm.

Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn

Cập nhật đến tối 25-9 từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ đã có mưa vừa, mưa lớn, có nơi mưa rất lớn.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia), lượng mưa phổ biến là 50-100mm, một số nơi trên 150mm như Hội An (Quảng Nam) 205,8mm, Đà Nẵng 215mm, Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 299mm, Triệu Ái (Quảng Trị) 205mm, Hương Thủy (Hà Tĩnh) 206mm...

Chiều 25-9, tâm áp thấp nhiệt đới đã di chuyển tới tọa độ khoảng 16 độ vĩ Bắc - 109,1 độ kinh Đông, hoạt động trên vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Nam; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15km/giờ, áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8-9.

Rạng sáng 26-9, tâm áp thấp nhiệt đới hoạt động trên đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam, tiếp tục gây ra mưa rất lớn. Tình trạng mưa lớn kéo dài đến ngày 28-9, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có nơi mưa đạt 450mm.

Từ nay đến ngày 27-9, khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ cũng có mưa vừa, mưa lớn và dông, cục bộ có mưa rất lớn với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cũng cảnh báo nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung là rất cao. Chính quyền các địa phương cùng người dân phải đề phòng loại hình thiên tai nguy hiểm này.

Tin cùng chuyên mục