Minh bạch điều kiện kinh doanh để khích lệ tinh thần khởi nghiệp

“Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai” là chủ đề chính của Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức tại TPHCM (từ ngày 10 đến 15-9).
Ông Hồ Sỹ Hùng Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp
Ông Hồ Sỹ Hùng Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh những sáng kiến và kinh nghiệm mà Việt Nam chia sẻ cùng các nền kinh tế thành viên APEC trong khuôn khổ sự kiện.

* Phóng viên: Thưa ông, ông có thể nêu rõ hơn về những hoạt động sẽ diễn ra tại sự kiện, thể hiện tinh thần “vun đắp tương lai” cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)?

- Ông HỒ SỸ HÙNG: Ngoài sự kiến chính là Hội nghị Bộ trưởng DNNVV APEC lần thứ 24 tổ chức ngày 15-9, dịp này sẽ diễn ra một loạt các sự kiện và hoạt động bao gồm: Hội nghị Nhóm công tác DNNVV APEC lần thứ 45 (13 và 14-9); các hội thảo về Diễn đàn APEC O2O (ngày 10-9), Hội thảo tiếp cận tài chính cho DNNVV và siêu nhỏ trong kỷ nguyên số (ngày 11-9), Diễn đàn khởi nghiệp (ngày 11 và 12-9), Diễn đàn Kinh tế số (ngày 12-9). Trước đó tại Hà Nội, các nhóm công tác đã tổ chức nhiều hoạt động về các vấn đề mà họ quan tâm như Chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho DNNVV hay đạo đức kinh doanh trong ngành dược phẩm…

* Là nền kinh tế chủ nhà, Việt Nam có những sáng kiến đóng góp gì cho APEC trong lĩnh vực này và dự kiến sẽ học hỏi được những kinh nghiệm gì?

- Chủ đề của hội nghị lần này do Việt Nam đề xuất, tập trung nỗ lực hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp. Thẳng thắn mà nói, cộng đồng DNNVV ở Việt Nam mới thực sự phát triển chừng hơn 10 năm nay, trong khi nhiều nền kinh tế APEC như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, cũng có những vấn đề chúng ta có thể chia sẻ, chẳng hạn về khởi nghiệp. Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội khóa XIV ban hành cũng là một bước tiến quan trọng, hài hòa với xu thế chung là không hỗ trợ kiểu bao cấp mà chỉ tạo ra điều kiện và cơ hội tốt để doanh nghiệp ra đời và lớn lên.

* Vì sao chúng ta lại lựa chọn chủ đề khởi nghiệp mà không phải là gỡ bỏ các rào cản kinh doanh? Thực tế vừa qua, số doanh nghiệp đăng ký mới nở rộ, nhưng rồi có một số đáng kể nhanh chóng phải rời khỏi thị trường. Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã chỉ ra hàng ngàn rào cản kinh doanh; rồi chi phí kinh doanh tại Việt Nam bị đẩy lên cao cũng vì thế, khiến các doanh nghiệp mất sức cạnh tranh...

- Khởi nghiệp là chủ đề rất đáng quan tâm, nhất là trong bối cảnh cộng đồng DNNVV Việt Nam mới hình thành chưa lâu, còn chưa đông, chưa mạnh; do đó đã được lựa chọn cho hội nghị lần này. Nhưng tất nhiên xóa bỏ rào cản kinh doanh cũng là vấn đề hết sức quan trọng mà các nền kinh tế thành viên APEC có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Một ví dụ là kinh nghiệm của Australia, họ công bố công khai tất cả các điều kiện kinh doanh trên web, với những hướng dẫn rất cụ thể và cho phép các đối tượng thực thi được bình luận, kiến nghị trực tiếp tới cơ quan quản lý nhà nước cao nhất. Mặc dù nền kinh tế nào cũng phải thiết kế những điều kiện kinh doanh, nhưng việc công bố minh bạch như thế không chỉ tạo điều kiện thuận lợi mà còn khích lệ được tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân, giảm thiểu tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch nền hành chính quốc gia. Trong khi đó, Mỹ thì lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức kinh doanh, bao gồm cả phòng, chống tham nhũng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

*Vừa qua đã có một làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam lại không đăng ký đầu tư ở trong nước, mà đăng ký thành lập ở nước ngoài, cụ thể là Singapore. Xu hướng này nói lên điều gì, thưa ông?

- Khi thành lập doanh nghiệp, vấn đề là bài toán đầu tư. Cho nên doanh nghiệp của Việt Nam thành lập ở nước ngoài không phải là điều đáng mừng, nhưng có đáng lo ngại không, hay cần phải điều chỉnh điều gì… thì cần phân tích từng trường hợp cụ thể. Tôi cho rằng một lý do khiến doanh nghiệp lựa chọn thành lập doanh nghiệp ở Singapore là doanh nghiệp rất cần vốn, nhưng Việt Nam lại chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm có khả năng đánh giá rủi ro kinh doanh và chấp nhận đầu tư. Tình hình sẽ thay đổi khi nền kinh tế phát triển hơn, môi trường kinh doanh được cải thiện, văn hóa kinh doanh thay đổi. Tóm lại, theo tôi, không phải cứ 100% doanh nghiệp khởi nghiệp phải đăng ký tại Việt Nam mới tốt, mà đây là vấn đề của thị trường, của trình độ phát triển kinh tế. 

* Có một nhận xét là việc tham gia của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam vào các sự kiện APEC còn hạn chế, ông có đồng tình?      

- Quả thực các sự kiện APEC chưa có nhiều đại diện DNNVV của Việt Nam tham gia, mà một lý do quan trọng là rào cản ngôn ngữ. Ngôn ngữ sử dụng trong các sự kiện APEC là bằng tiếng Anh, khiến cho nhiều DNNVV bỡ ngỡ, thông tin nền với các doanh nghiệp của ta cũng còn chưa dày dặn. Không có cách nào khác là chúng ta phải tự vươn lên, bắt kịp với bạn.

* Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục