Mở cửa đón du khách quốc tế “Chậm chân” sẽ mất cơ hội quý

Cần sớm công bố và thực hiện lộ trình mở cửa toàn diện đón du khách quốc tế; nếu “chậm chân” sẽ bỏ lỡ cơ hội quý để có thể phục hồi ngành du lịch nói riêng, đồng thời góp sức thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau một thời gian dài bị tác động bởi Covid-19… Đó là ý kiến nhận được sự đồng thuận cao tại hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 24-1, tại Hà Nội.

Nắm bắt cơ hội để phục hồi

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, chỉ trong 2 tháng thí điểm, ngành du lịch đã đón 7.800 lượt khách quốc tế có hộ chiếu vaccine. “Việc thí điểm đón khách quốc tế đạt hệ số an toàn rất cao, du khách đáp ứng được nhu cầu du lịch trong điều kiện an toàn với dịch bệnh. Qua đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn trong khu vực, quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và cho biết, đây là một trong những cơ sở để đề xuất Chính phủ mở cửa toàn diện du lịch vào dịp 30-4 năm nay.

Cụ thể hơn, Tổng cục Du lịch (TCDL) cho biết khách du lịch quốc tế tham gia chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực. Việc triển khai chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế đến một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch Covid-19 của đất nước thời gian qua…

Đây cũng là “liều thuốc tinh thần” khích lệ các doanh nghiệp du lịch quyết tâm khôi phục lại hoạt động sau 2 năm gần như đóng cửa, chủ động kết nối lại thị trường, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, góp phần lan tỏa, thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế. Nếu chậm chân trong việc mở cửa toàn diện sẽ làm vuột mất cơ hội quý.

Mở cửa đón du khách quốc tế “Chậm chân” sẽ mất cơ hội quý ảnh 1 Du khách chụp ảnh không gian tết tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM.  Ảnh: GIA HÂN

Cùng quan điểm này, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, nhìn nhận, suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có du lịch.

“Thật vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn… Không mở thì thế nào, ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành du lịch? Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là sao? Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, cả lực lượng vật chất kỹ thuật như khách sạn, máy bay, bao tiền đầu tư giờ không có khách. Vô lý nếu không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm”, ông Bình nói.

Tháo gỡ những rào cản kỹ thuật

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, không phải cứ mở cửa là du khách quốc tế kéo đến ùn ùn, mà họ cần có thời gian để tiếp nhận, nghiên cứu thông tin trước lúc quyết định đi. Bởi vậy nên chăng cần công bố sớm nhất lộ trình mở cửa để các doanh nghiệp có thể thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm, đưa khách trở lại Việt Nam.

Là một trong những địa phương được phép tham gia thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2, đại diện Sở Du lịch TPHCM cũng đề xuất sở đã phối hợp chuẩn bị đón đoàn khách quốc tế đầu tiên đến thành phố trong thời gian tới. TPHCM hoàn toàn đồng ý với chủ trương đón khách quốc tế của Bộ VH-TT-DL đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, TPHCM kiến nghị nên thay đổi tiêu chí đón khách quốc tế đến Việt Nam phải có chứng nhận PCR âm tính trong 72 giờ từ khi xét nghiệm là không phù hợp vì nhiều thị trường đến Việt Nam rất xa, thời gian quá cảnh, bay nhiều… 

Ủng hộ kế hoạch mở cửa du lịch, đại diện Bộ GTVT cho biết thêm, kế hoạch mở cửa khách du lịch quốc tế của chúng ta là 30-4, khớp với kế hoạch mở lại của ngành hàng không. Hiện, bộ cũng đã xin ý kiến của Chính phủ cho phép căn cứ vào nhu cầu của từng thị trường để được chủ động mở cửa các đường bay quốc tế.

Mở cửa đón du khách quốc tế “Chậm chân” sẽ mất cơ hội quý ảnh 2 Du khách tham quan Cần Giờ (TPHCM) cuối tháng 10-2021. Ảnh: THI HỒNG

“Ở quốc tế, không có một nhà ga nào thiết kế để thực hiện việc xét nghiệm cả. Việc này gây tắc nghẽn và đây chính là rào cản kỹ thuật. Nếu chúng ta vẫn giữ quy định này thì sẽ ảnh hưởng đến việc đón khách quốc tế. Chúng ta không nên tổ chức test ở sân bay nữa mà test ở nơi lưu trú cho khách du lịch quốc tế…”, đại diện Bộ GTVT đề xuất.

Tiếp nhận ý kiến của đại diện các bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng… về xây dựng lộ trình mở cửa toàn diện khách du lịch, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định trên cơ sở thuận lợi, khó khăn, bộ sớm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết, đồng thời nhấn mạnh từ nay đến thời điểm đó các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ để mở của du lịch quốc tế hiệu quả, an toàn.

TPHCM: Dự tính đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022

Ngày 24-1, Sở Du lịch TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành du lịch TPHCM năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Theo Sở Du lịch TPHCM, do biến động liên tục của dịch Covid-19, các chỉ tiêu của ngành năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, khách quốc tế đến TPHCM năm 2021 là 0 lượt, giảm 100% so với cùng kỳ năm 2020. Dự tính, năm 2022, ngành du lịch TPHCM sẽ đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế. 

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt nhận định, năm 2021 là năm thách thức, khó khăn của du lịch TPHCM, nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực vươn lên, đạt được những kết quả khởi sắc. Nhằm sớm lấy lại vị thế vốn có của du lịch TPHCM, Bộ VH-TT-DL đề nghị ngành du lịch thành phố tiếp tục tham mưu, đề xuất, ban hành chủ trương phù hợp, làm tốt định hướng để phát triển du lịch trên địa bàn; đồng thời tập trung thực hiện kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19, đón khách quốc tế đến TPHCM năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng yêu cầu ngành du lịch thành phố trong năm 2022 tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: thúc đẩy công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn sau dịch Covid-19; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa, khai thác lợi thế, tiềm năng của thành phố; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo giá trị sản phẩm liên vùng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá trực tuyến điểm đến; khai thác các nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho thành phố.

Tin cùng chuyên mục