
Tình trạng phóng uế gây mất vệ sinh đô thị đã giảm hẳn tại khu vực trung tâm TPHCM kể từ khi thành phố triển khai Quyết định 105/2003 quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.
Trong tháng 4-2005 có đến 400 trường hợp gây mất vệ sinh bị xử lý, nhưng trong các tháng 5, 6, 7 chỉ còn khoảng 300 trường hợp/tháng và trong 2 tuần đầu tháng 8 chỉ còn 10 trường hợp. Thế nhưng…
- Chuyện “nặng lòng” ở quận 1

Quận 1 là địa phương đi đầu trong công tác giữ gìn trật tự vệ sinh môi trường, trong đó có việc xử phạt nghiêm những hành vi tiêu tiểu bậy.
Tuy vậy, ông Nguyễn Thế Định, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, vẫn băn khoăn: “Có đến 63% người vi phạm là tài xế, xe tải, taxi và đặc biệt là giới xích lô, “honda ôm”, 25% là người bán hàng rong, vé số dạo.
Chỉ có 12% là những người hành nghề khác. Điều này có nghĩa là những người vi phạm chủ yếu là người nghèo. Và việc phải phạt những người này không phải dễ thấu lý đạt tình.
Cùng đi với những người làm công tác giữ gìn vệ sinh môi trường quận 1 để ghi nhận về hoạt động của họ, chúng tôi mới hiểu hết những nỗi băn khoăn đó.
Một cậu bé bán vé số, bị bắt quả tang khi đang “tè bậy” ở vách Thư viện Quốc gia. Móc hết túi quần, túi áo cậu mới đưa ra được hơn chục ngàn đồng - trong khi mức phạt thấp nhất cho hành vi này cũng đã là 100.000 đồng.
Hỏi đến cha mẹ, cậu bé gạt nước mắt nói ở quê, xa lắm, không thể đến bảo lãnh cho cậu được. Hỏi tại sao không vào nhà vệ sinh công cộng của chợ Bến Thành chỉ cách đó có vài chục mét, cậu bé mếu máo: “Cả ngày bán được hơn 10.000 đồng, mỗi lần đi tiểu tốn hết 500 đồng.
Một ngày đi tiểu 3-4 lần thì còn tiền đâu mà ăn uống gửi tiền về cho cha mẹ”. Biết làm gì trước hoàn cảnh này? Các đội viên chỉ còn cách đưa cho cậu bé chiếc xô, yêu cầu đi múc nước, dội sạch nước tiểu và cho cậu đi.
Một phụ nữ quê ở Quảng Bình vào TPHCM làm nghề lượm ve chai, bị bắt quả tang khi đang “tè bậy” ở Công viên 23-9. Chị ta sẵn sàng nộp phạt nhưng số tiền mang theo chỉ có trên 50.000 đồng.
Các đội viên trật tự đề nghị chị liên lạc với người thân để nhờ giúp đỡ. Chị bật khóc và năn nỉ: “Như thế thì xấu hổ lắm. Hơn nữa, bạn bè của tôi cũng là những người xa xứ đi lượm ve chai thì tiền đâu nộp phạt giúp?”.
- Thực trạng “thiếu, thừa” nhà vệ sinh công cộng

Hành vi “tè bậy” tại công viên 23-9 bị chụp ảnh để xử phạt. Ảnh: C.T.V.
Ông Lâm Sơn Hoàng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: hiện toàn thành phố chỉ có 103 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở 11 quận-huyện.
Đã thiếu như thế, các NVSCC lại chỉ hoạt động từ 4 giờ đến 20 giờ mỗi ngày, trong khi nhu cầu đi vệ sinh của người dân sau 20 giờ lại rất nhiều - những nơi công cộng như các bến xe, khu vực chợ bán sỉ hoạt động gần như suốt đêm.
Không chỉ thiếu, ngay cả các NVSCC đang có không phải cái nào cũng có vị trí hợp lý. NVSCC đặt ở góc Nguyễn Du-Lê Văn Hưu, gần Bệnh viện Nhi đồng, được người dân phản ánh là … thừa, bởi vì người có việc phải lui tới bệnh viện đều chọn sử dụng nhà vệ sinh của bệnh viện-khi có nhu cầu- chứ chẳng ai ra NVSCC mãi tận bên ngoài, vừa xa vừa phải trả tiền.
Tại công viên 23-9, nhà vệ sinh xây dựng khuất sau trụ sở ban quản lý công viên, rất khó tìm. Tại công viên Lê Lai, trước mặt NVSCC là quán giải khát. Mỗi khi đông khách, chủ quán bày ghế che khuất cả lối vào nhà vệ sinh khiến cho người qua đường chẳng nhìn thấy nhà vệ sinh hoặc có biết cũng ngại khi vào.
Tại Thảo Cầm viên bảng hướng dẫn nhà vệ sinh nằm khiêm tốn trên thân cây nên để tìm được bảng hướng dẫn cũng đã khó chứ nói chi tìm được nhà vệ sinh.
- Nhà vệ sinh miễn phí, tại sao không?
Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM đã yêu cầu Công ty Dịch vụ công ích các quận-huyện khảo sát và lập quy hoạch hệ thống NVSCC tại quận-huyện mình, báo cáo về trước ngày 22-8 để sở có cơ sở lập kế hoạch xây dựng hệ thống NVSCC trên địa bàn thành phố.
Song song với việc này, sở cũng đã đưa ra một số thiết kế mẫu: đối với công viên thì có thể làm NVSCC bằng chất liệu inox, màu xanh, dạng như một trụ hoa; trên đường phố thì làm kiểu nhà tròn có mái che và phối cảnh bằng những bồn hoa dọc theo vỉa hè…
Sở dự kiến sau khi thống nhất được mô hình NVSCC thì sẽ lập dự án trình UBND TP. Nếu dự án được phê duyệt ngay, sở sẽ cho thí điểm lắp đặt một số NVSCC theo kiểu mới tại một số quận trung tâm vào cuối năm nay và đến tháng 5-2006 sẽ lắp đại trà tại 24 quận-huyện.
NVSCC với giá thành rẻ cũng đang được Sở TN-MT nghiên cứu. Hiện nay, nhiều NVSCC với phí dịch vụ chỉ có 500 đồng/tiểu tiện và 1.000 đồng/lần đại tiện đã là quá sức với nhiều người nghèo và nặng lòng cho người xử phạt…
Theo thăm dò dư luận, mặc dù nước ta chưa giàu như các nước công nghiệp phát triển nhưng vì lợi ích dân sinh, xã hội, cũng có nhiều dịch vụ nhà nước hoàn toàn bao cấp bù lỗ hoặc miễn phí như xử lý rác, xây dựng vỉa hè và chiếu sáng công cộng.
Riêng TPHCM, hàng năm đã phải chi hàng trăm tỷ đồng cho tiền điện chiếu sáng, cũng là để giữ gìn an ninh trật tự, làm đẹp xã hội. Việc dành ra một khoản ngân sách đầu tư cho việc xây dựng, quản lý hệ thống NVSCC để phục vụ miễn phí cho dân cũng nhằm giữ gìn nếp sống văn minh đô thị, làm đẹp phố phường, tại sao không?
Thiện Nhân - Trung Kiên