
Hôm qua 1-7, ngày đầu tiên thực hiện thỏa thuận về kiểm soát nguồn gốc các loại trái cây xuất và nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, hoạt động buôn bán, trao đổi nông sản giữa hai nước trong ngày đầu tiên thực hiện hiệp định vẫn khá sôi động “thuận buồm xuôi gió”.

Kiểm tra chất lượng, nguồn gốc và nhãn mác thanh long Bình Thuận trước khi xuất sang Trung Quốc.
Vẫn nườm nượp trái cây xuất - nhập
Từ sáng sớm, dọc bãi kiểm hóa và khu cửa khẩu Tân Thanh, hàng trăm xe tải lớn, nhỏ, xe container đã xếp hàng dài để chuẩn bị đưa các loại trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc và các xe chở trái cây của Trung Quốc cũng tấp nập đổ sang Việt Nam. Theo một chủ xe tên Long, ở Bắc Giang, hiện nay chủ yếu là trái cây của Trung Quốc tràn vào Việt Nam, sau khi làm thủ tục thông quan xong là chạy thẳng về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) và đổ vào miền Nam, còn trái cây của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có vẻ ít hơn.
Lý do là hai mặt hàng vải tươi, dưa hấu đưa lên cửa khẩu hiện đã vãn mùa thu hoạch, chỉ còn lại các mặt hàng như chuối, thanh long, chôm chôm... Anh Phan Văn Giàu, chủ một xe container ở Tiền Giang, chở hơn 20 tấn thanh long của Bình Thuận sang Trung Quốc bán qua cửa khẩu Tân Thanh, nói với chúng tôi: “Mặc dù là ngày đầu tiên tổ chức kiểm soát nguồn gốc trái cây xuất khẩu, song việc buôn bán của chúng tôi vẫn rất thuận lợi”.
Mở thùng container, chỉ vào hàng trăm chiếc hộp carton đựng những quả thanh long được ướp lạnh, bọc cẩn thận trong các túi ni lông, bên ngoài mỗi hộp đều in dòng chữ “Thanh long xuất khẩu”, “made in Vietnam” màu đỏ sẫm, anh hồ hởi: “Hầu như các lô thanh long của chúng tôi đều được đóng hộp và in nhãn mác, bao bì, địa chỉ rõ ràng do chúng tôi đã chuẩn bị sẵn, nên việc xuất sang Trung Quốc sẽ không còn gặp khó khăn như hồi tháng 3 và 4-2009 nữa”.
Nhiều cơ hội xuất sang Trung Quốc
Trong bãi kiểm hóa, ông Phạm Thanh Bình, Phó trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh, tâm sự: “Cùng với kiểm soát lý lịch các loại trái cây thì hiện nay bên Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra về dư lượng và các sinh vật gây hại có thể có trong trái cây nông sản. Tuy nhiên, qua ngày đầu tiên, việc xuất khẩu giữa hai nước vẫn suôn sẻ, các doanh nghiệp cũng vui mừng”.
Còn theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn), từ đầu năm 2009 tới nay, hoạt động buôn bán trái cây giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên sôi động khác thường nhờ thực hiện hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo đó, mức thuế suất xuất nhập khẩu các loại trái cây, nông sản đã được áp bằng 0%, nên lượng trái cây xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đã tăng lên tới 122% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, nhờ việc đăng ký, kê khai nguồn gốc nên một mặt là cơ hội để tạo thương hiệu cho trái cây Việt Nam, mặt khác giúp người Trung Quốc sử dụng trái cây Việt Nam nhiều hơn, yên tâm hơn. Do đó, các doanh nghiệp cũng hồ hởi và tự tin hơn khi đưa trái cây sang Trung Quốc. Theo thống kê của Chi cục Hải quan Tân Thanh, chỉ trong ngày 1-7, đã có gần 100 xe chở trái cây của Việt Nam được đưa sang Trung Quốc, mỗi xe chở trung bình khoảng 15 tấn. Còn lượng trái cây Trung Quốc đưa sang Việt Nam là khoảng 70 xe các loại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế đúng là vẫn còn nhiều cơ sở, doanh nghiệp của Việt Nam còn triển khai việc đăng ký, kê khai “lý lịch” cho trái cây theo kiểu ứng phó. Dọc con đường qua thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc - Lạng Sơn), hàng trăm cơ sở thu gom với tổng sản lượng lên tới hàng ngàn tấn vải sấy khô đang chuẩn bị chờ xuất sang Trung Quốc. Cơ sở nào cũng nườm nượp công nhân, lũ lượt đóng hàng, bao gói. Thế nhưng, nhiều cơ sở trên bao bì các lô hàng chỉ ghi chung chung là “vải khô”, “vải Việt Nam” mà theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT thì như vậy là chưa hợp chuẩn, có thể làm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xuất khẩu gặp khó khăn nêu phía cơ quan chức năng Trung Quốc làm khắt khe hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng thì bước đầu, việc triển khai chứng nhận nguồn gốc các loại trái cây xuất khẩu đã được các địa phương làm tích cực. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở các cửa khẩu như Lào Cai, Móng Cái (Quảng Ninh), hoạt động xuất khẩu 5 loại trái cây nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung cũng khá thuận lợi trong ngày đầu.
Nhóm PV