Mỗi người dân là chủ thể xây dựng và hưởng thụ không gian văn hóa Hồ Chí Minh

TPHCM xác định không gian văn hóa Hồ Chí Minh là không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam, vừa làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi, sinh động. 
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Sáng 25-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị báo cáo viên tháng 5 năm 2022. Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền báo cáo chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân TPHCM 

Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là vấn đề mới, nội hàm rộng. Để thực hiện nội dung này đòi hỏi thời gian dài, xuyên suốt không chỉ trong nhiệm kỳ này mà còn ở các nhiệm kỳ tới. Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định xây dựng chương trình hành động về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nội dung Chương trình hành động đang trong giai đoạn dự thảo và xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học... Dự thảo sẽ được lấy ý kiến rộng rãi để tạo sự đồng thuận cao nhất, để khai triển khai thực hiện có hiệu quả.

Về lý do TPHCM xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền cho biết, TPHCM có vị trí đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ; là đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế; là nơi in dấu chân của Bác ra đi tìm đường cứu nước với khát khao giành độc lập dân tộc, mang lại ấm no cho đồng bào. Đặc biệt là tình cảm của Bác dành cho đồng bào miền Nam. TPHCM tiếp nối truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn để khơi dậy sự khát vọng cống hiến của Thành phố, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thành phố mang tên Bác. 

Theo đồng chí, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân TPHCM, nhân dân Nam bộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa có tác dụng như hệ sinh thái văn hóa với 4 yếu tố cấu thành. Đó là môi trường phổ biến, truyền bá các giá trị văn hóa; là môi trường tiếp thu, hình thành giá trị văn hóa cá nhân; là môi trường thực hành các giá trị văn hoá. Đó còn là môi trường đánh giá, ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức về việc phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, phê phán, chế tài các hoạt động trái văn hóa Việt Nam và vi phạm pháp luật. 

Tùy loại hình hoạt động của các đơn vị mà xây dựng không gian văn hóa phù hợp. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, hiện chưa có tài liệu nào thể hiện rõ khái niệm về không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Song, qua quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia, TPHCM xác định không gian văn hóa Hồ Chí Minh là không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam, vừa làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi, sinh động. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM sẽ góp phần làm cho mỗi người dân Thành phố tiếp thu và phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam hiệu quả hơn theo tinh thần và tấm gương Hồ Chí Minh. 

Mỗi người dân là chủ thể xây dựng và hưởng thụ không gian văn hóa Hồ Chí Minh ảnh 1 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền báo cáo chuyên đề tại hội nghị
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là quy hoạch phát triển các công trình văn hoá, các thiết chế văn hóa mà còn bao gồm cả sự phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật mang tư tưởng, thẩm mỹ, phong phú, hấp dẫn gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh. Đồng chí cho biết thêm, TPHCM có trách nhiệm cao hơn về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để người dân các địa phương khác và người dân các nước đến Thành phố sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Các thiết chế phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả 

TPHCM hướng đến xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là các công trình văn hoá, thiết chế văn hóa mà còn chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tổ chức đa dạng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, lễ hội, sinh hoạt văn hóa theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hình thành văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp để phát huy truyền thống nghĩa tình; làm động lực để người dân ra sức thi đua phát triển Thành phố, tiếp tục giữ vị trí đầu tàu của Thành phố đối với cả nước.

“Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải xác định là nhiệm vụ chung, thường xuyên, liên tục và kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ. Việc xây dựng không gian do Đảng bộ TPHCM lãnh đạo, nhà nước quản lý, tất cả người dân đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thành phố là chủ thể để xây dựng không gian văn hoá. Đồng thời là chủ thể sáng tạo, thụ hưởng sản phẩm văn hóa nên phải tổ chức chặt chẽ, đồng bộ từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là địa bàn dân cư”, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền lưu ý. 

Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải đảm bảo nguyên tắc, là công trình thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Thành phố với công lao rất to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng. Công tác quy hoạch, xây dựng không gian văn hóa phải hài hoà với cảnh quan đô thị hiện hữu, các công trình, thiết chế, hoạt động văn hoá, văn nghệ phải mang dấu ấn đặc trưng của nơi lưu giữ, bảo tồn, duy trì các hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân Thành phố theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các thiết chế phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và khả thi, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân Thành phố nói riêng, của người dân cả nước và bạn bè quốc tế nói chung. 

Về mục tiêu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền thông tin, TPHCM hướng đến xây dựng văn hoá và con người Thành phố phát triển đồng bộ, gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh thiếu nhi Thành phố phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội, góp phần hình thành bản sắc riêng của TPHCM. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hoá, xây dựng gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM. Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, mỗi người vì mọi người, đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực trong gia đình, nhà trường, xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn Thành phố theo các tiêu chí về xây dựng đời sống văn hóa gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển văn hoá, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, tạo tiền đề bền vững để Thành phố phát triển bền vững. Cùng với đó, chuẩn hoá, đa dạng hóa việc giáo dục đạo đức, văn hóa Việt Nam trong các trường học; hoàn thành quy hoạch tổng thể chi tiết không gian văn hóa vật thể Hồ Chí Minh. Qua đó tạo tiền đề đến năm 2030, TPHCM hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thấm sâu vào người dân Thành phố.

8 nhiệm vụ, giải pháp

Để làm được điều đó, TPHCM đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp. Trọng tâm là phát triển văn hóa – xã hội nhanh và bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững. Song song với phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ở đó, TPHCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thấm sâu vào người dân Thành phố, góp phần xây dựng hình ảnh người dân Thành phố có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa: “năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Có giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ nghiên cứu, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc học tập và làm theo Người.

Mỗi người dân là chủ thể xây dựng và hưởng thụ không gian văn hóa Hồ Chí Minh ảnh 2 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Tô Đại Phong báo cáo tại hội nghị
TPHCM cũng tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về văn hoá; phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, các thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố gắn với sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao trên địa bàn Thành phố và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá. Đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí. 

Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Tô Đại Phong đã báo cáo một số thông tin nổi bật về tình hình trong nước và thế giới trong tháng 5. Đồng thời định hướng công tác thông tin tuyên truyền trong tháng 6 với 6 nội dung. Trong đó, tập trung tuyên truyền thực hiện 4 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; nội dung về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; tình hình kinh tế - xã hội trong nước và TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2022...


Tin cùng chuyên mục