Món quà của mùa hè

Sau tập truyện Xóm bờ giậu, đoạt giải B giải thưởng Sách Quốc gia 2019, hè năm nay, nhà văn Trần Đức Tiến tiếp tục gửi đến các em nhỏ tập truyện A lô!... cậu đấy à? (NXB Kim Đồng). Tác phẩm một lần nữa ghi dấu sự đồng hành của họa sĩ Kim Duẩn với những minh họa đáng yêu, sinh động, xứng đáng trở thành món quà cho các em nhỏ mùa hè năm nay.
Tác phẩm A lô!... cậu đấy à? vừa ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi
Tác phẩm A lô!... cậu đấy à? vừa ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi

Là người gắn bỏ cả đời với văn học thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến có nhiều tác phẩm được các em yêu thích như: Ốc mượn hồn, Vương quốc vắng nụ cười, Thằng Cúp, Làm mèo, Trăng vùi trong cỏ…

Ông vinh dự nhận nhiều giải thưởng viết cho thiếu nhi, trong đó có giải nhất cuộc vận động sáng tác cho tuổi mầm non của Bộ GD-ĐT và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2005, giải nhất cuộc vận động sáng tác “Bước qua hai thế giới” do dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức năm 2008-2009, giải B giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019 cho tác phẩm Xóm bờ giậu.

Như một sự tiếp nối từ Xóm bờ giậu, ở A lô!... Cậu đấy à?, Trần Đức Tiến dẫn dắt các bạn nhỏ gặp hậu bối của cụ giáo Cóc, chú thợ săn Thằn Lằn, chuyên gia dự báo Tắc Kè, nhạc sĩ Dế Lửa, thi sĩ Dế Còm. Đó chính là các bạn Cóc Tía, Thằn Lằn và Bông Lau. Không gian, bối cảnh của A lô!... Cậu đấy à? diễn ra ở xóm Bụi Trúc, chính là Xóm bờ giậu xưa kia. Chỉ vì xóm bây giờ đã bỏ bờ giậu, xây tường mới, để lại bụi trúc nên mới có tên xóm Bụi Trúc.

Giống như một người ông rất mực gần gũi và thương mến, Trần Đức Tiến thủ thỉ kể các câu chuyện đầy màu sắc, hóm hỉnh và lung linh cho độc giả nhí. Với sở trường viết truyện đồng thoại, ông đã “phù phép” để loài vật mang tính cách của những đứa trẻ. Không còn là những chú cóc, sóc, thằn lằn… giờ đây, chúng có thể trò chuyện, lắng nghe, thậm chí viết thư, đọc sách, viết báo, gọi điện cho nhau. Chúng cũng có những câu chuyện vừa thú vị, cảm động, vừa hiện đại, phiêu lưu hấp dẫn.

Với quan niệm “con người là một phần của thiên nhiên, không thể sống tách rời thiên nhiên, nhà văn phải biết cách nghe thấy tiếng hát của con Thằn Lằn, tiếng thở dài của con Ốc Sên, và đọc được bài thơ của con Dế trên chiếc lá mít... Hơn thế, phải làm cho bạn đọc nhỏ tuổi tin vào những điều đó, để cùng học cách “nghe” và “đọc” nhiều thứ khác”, có thể nói, Trần Đức Tiến đã trở thành một trong những người kể chuyện đồng thoại duyên dáng và hấp dẫn nhất hiện nay.

Tin cùng chuyên mục